Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Hư thực trong cuộc Thương chiến Mỹ - Trung

Khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tiến vào vòng đàm phán thương mại thứ 13 trong hơn một năm qua vào tháng 9 tới, cả hai bên đã đưa ra những dấu hiệu không rõ ràng về những gì để giải quyết bất đồng.
Vào hôm qua, thứ hai 26.8, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, nói: "Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán ôn tồn và kiên quyết phản đối xung đột leo thang". Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã đồng ý quay lại bàn và ông cho rằng bình luận của Phó thủ tướng Lưu Hạc là "một điều tốt lành". Chỉ có điều, ông Lưu Hạc không là đại diện duy nhất và cao nhất cho ý kiến từ chính quyền Bắc Kinh.
Trong Tam quốc chí, có đoạn Thừa tướng nước Thục mang quân đánh quân Ngụy. Vì cạn quân lương, Khổng Minh buộc phải bí mật ra lệnh lui binh. Mỗi lần binh trại chuyển đi là mỗi lần quân số giảm thiểu mà vì thế số lò bếp cũng giảm theo. Tả hữu hỏi, trong sách Binh pháp của Tôn tử, khi lui binh thì phải giữ nguyên hoặc tăng lò bếp lên, để quân địch không biết là ta giảm quân, tại sao Thừa tướng không làm theo ? Khổng Minh cười, sách đó thì Tư Mã Ý đã thuộc làu rồi, ta cứ giảm lò, làm Ý không hiểu thực hư ra sao thì sẽ không dám truy đuổi.
Nhớ lại cách đây gần ba năm, Trump mới lên cầm quyền đã tỏ ra cứng rắn với rất nhiều nước. Với Nga là trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao, dọa tăng thuế với Mexico, ném bom Syria, đấu khẩu tóe lửa với Kim Jong Ủn, hủy bỏ Hiệp ước với Iran...nhưng rồi thời gian trôi đi, mọi việc có vẻ đâu lại vào đấy.
Đối với Trung Quốc, vấn đề lại khác, không biết đâu là hư, đâu là thực. Trump gặp Tập rất sớm và liên tục, gọi Tập là “my friend”. Thế rồi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ nổ ra. Sau hơn một năm, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu những tổn thất nặng nề, dễ thấy chứng khoán nước này rớt thảm hại, đồng tiền mất giá.
Theo các số liệu mới nhất, doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 7,6% - thua xa mức kỳ vọng là 8,6% lẫn mức tăng 9,8% tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,1% lên 5,3%.
Theo chuyên gia kinh tế Larry Hu thuộc ngân hàng đầu tư Macquarie: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà suy giảm. Ở mức độ nào đó các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường kích thích để hỗ trợ hạ tầng và tài sản. Tôi nghĩ điều này có thể diễn ra vào cuối năm nay”.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu gì xấu đi, nhưng chưa đáng kể. Đó là chứng khoán chao đảo, giá cả có nguy cơ tăng mạnh và suy thoái kinh tế. Tính chung từ khi có Chính phủ mới của ông Trump, kinh tế Mỹ tỏ ra năng động hơn và có những chỉ số tích cực về tăng trưởng GDP và thất nghiệp.
Với kết quả tạm thời này, phía Mỹ có thể "chốt lãi" để ông Trump lấy thành tích này cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Nhưng điều bất ngờ vẫn xảy ra khi Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn, trước một thực tế là thâm hụt thương mại với Trung Quốc không giảm, trái lại còn gia tăng.
Để mậu dịch cân bằng, về lý thuyết sẽ có ba giải pháp. Thứ nhất là hai con số xuất nhập khẩu đều về zero, tức nghỉ chơi với nhau, hay "không có Trung Quốc thì tốt hơn"; thứ hai hai nước cùng lấy mức xuất khẩu của Mỹ là 150 tỉ USD; thứ ba, cùng bằng mức xuất khẩu của Trung Quốc là 550 tỉ USD.
Trong ba "gói" này, tối ưu nhất là thương mại mỗi bên đạt 550 tỉ USD, nghĩa là Trung Quốc phải mở cửa thị trường 1,4 tỉ dân, điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn từ lâu. Để thực hiện điều này không nhanh được vì năng lực tiêu thụ của đa số người dân Tầu còn nghèo khó là khá thấp. Chính vì thế, Tỉ phú Jack Ma từng tiên đoán, chiến tranh kinh tế thương mại sẽ kéo dài 20 năm.
Cuộc chiến leo thang vào ngày 1/8, ngay sau khi các đại diện đàm phán của Mỹ không gặt hái được kết quả tại cuộc gặp ở Thượng Hải, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa chưa bị áp thuế bổ sung của Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Dù sau đó,  ngày 13/8, Tổng thống Mỹ lùi áp thuế với đa số mặt hàng cho đến 15/12, nhưng người ở Trung Quốc đã xem tweet ngày 1/8 là một sự phản bội "thỏa thuận Osaka", khi ông đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
Kể từ đó, quan hệ thương mại hai nước chỉ có xấu đi. Thứ sáu tuần trước, ngày 23/8, Trung Quốc đã tuyên bố đánh chồng thêm thuế mới với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ và cho biết họ sẽ nối lại thuế quan đối với ô tô và linh kiện xe hơi do Mỹ sản xuất. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ đã đáp trả bằng cách tăng mức thuế quan thêm 5% đối với 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (250 tỉ USD hàng hóa chịu thuế 25% sẽ tăng thành 30% và 300 tỉ USD hàng hóa dự định chịu thuế 10% sẽ tăng thành 15%).
Để chống trả, nền kinh tế của châu Á để đồng nhân dân tệ rớt đến mức thấp nhất trong 11 năm, Bộ Tài chính Mỹ lập tức liệt nước này vào danh sách thao túng tiền tệ.
“Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”. Chiến tranh về kinh tế không thể không dính đến chính trị và quân sự. Đó là điều mà chính quyền Trump đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 700 tỉ USD vào năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Đến nay, các mức thuế bổ sung khủng khiếp 30% và 15% có đi vào hiệu lực hay không vẫn là một điều "hư và thực" chưa rõ ràng. Có điều thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn hết sức ảm đạm, phản ánh một tiên lượng xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét