Theo những nguồn tin không được kiểm
chứng, Bin Laden và Omar, thủ lĩnh Taliban có mối quan hệ khá quái gở:
vừa là con rể, vừa là bố vợ vì ông này lấy con gái của ông kia! Đây là
điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thế giới Hồi giáo đa thê và nó thể
hiện sự gắn bó keo sơn giữa hai tổ chức Al Qaida và Taliban.
Sau
đó mấy hôm, ngày 15, tôi bay về Việt Nam trong một chuyến đi bốn tuần.
Đến đầu tháng 11, lại có công chuyện sang Doha, thủ đô tiểu quốc Qatar.
Không khí căng thẳng như thời chiến bao trùm ở các sân bay Dubai và
Doha, hành khách đều phải xếp hàng dài chờ đợi ở các máy soi an ninh.
Cổng khách sạn của chúng tôi ở Doha cũng có lính bồng súng canh gác ngày
đêm.
Sau đó vài tháng, Mỹ mở cuộc
tấn công vào sào huyệt của Al Qaida ở Afganistan, loại bỏ chế độ
Taliban. Al Qaida đã bị tiêu diệt trên thực tế, bản thân Bin Laden trốn
sang Pakistan cũng đã bị nhóm biệt kích của Mỹ bắn hạ vào năm 2012.
Nhưng cho dù Omar đã chết vì bệnh năm 2013, Taliban vẫn còn đó và ngày
càng đe dọa sự sống còn của chính thể Afghanistan hiện tại do ông Ghani
làm tổng thống, nhất là sau khi cuộc hòa đàm bí mật dự kiến diễn ra vào
tuần trước tại Washington DC bị đổ vỡ.
Không
chỉ những diễn biến phức tạp tại Afghanistan, khu vực đại Trung Đông đã
và đang là điểm nóng của thế giới trong nhiều năm qua.
Cuộc
chiến tại Iraq đã làm nhiều người ngỡ ngàng và đến tận bây giờ người ta
vẫn còn tranh cãi rất nhiều về lý do thực sự của nó. Một trong những
người hiểu rõ về chuyện này chính là John Bolton, người mới từ chức Cố
vấn an ninh quốc gia, đã từng được Tổng thống Bush (con) trong dụng
trong các vai trò như Phụ tá an ninh đối ngoại (hàm Thứ trưởng) và Đại
sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc (hàm Bộ trưởng). Bolton là người ủng hộ nhiệt
thành cho các chiến dịch ở Afghanistan và Iraq cho đến khi chính phủ của
Đảng Cộng hòa rời Nhà trắng.
Cuộc
“Cách mạng hoa lài” từ đầu năm 2011 đã làm sụp đổ một loạt chế độ độc
tài lâu năm tại Tuynisia, Ai Cập, Yemen, Libya và gần đây lại có thêm
Algeria và Sudan. Cuộc cấm vận tại Iran ngày càng siết chặt cùng với
tham vọng hạt nhân khiến tình trạng nước này tiếp tục căng thẳng. Bên
cạnh đó là cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria cướp đi hàng trăm ngàn sinh
mạng.
Trong quá khứ, Cairo bên bờ
sông Nile hùng vĩ, từng là cái nôi văn hóa, với Trường Đại học Ai Cập
(nay đổi tên là Cairo) có bề dày lịch sử trên 100 năm. Beirut từng được
coi là một Paris thu nhỏ, là một trung tâm tài chính và ngân hàng. Thành
Baghdad, Damascus cổ kính, tráng lệ...nay còn đâu.
Cũng
cần nhìn nhận về những thành tựu về kinh tế và xây dựng của Dubai hay
Doha, được coi là những điểm sáng trong khu vực. Có điều, đây chỉ là
những thành phố nhỏ, trên một triệu dân, chưa đủ sức để tô hồng lên một
bức tranh xám, với việc bao trùm chiến tranh, bạo lực. Vì lý do tôn
giáo, các chính phủ vùng Bắc Phi và Tây Á không thể kiểm soát được tình
trạng bùng nổ dân số cũng làm cho tình trạng nghèo khó, mù chữ và thất
nghiệp thêm chồng chất.
Mọi người
hẳn còn nhớ, khi chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt và không còn
kiểm soát thì người Mỹ đã lặng lẽ rút đi. Tương tự, chính quyền Omaba đã
tuyên bố chính sách “xoay trục”, chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại,
quân sự và kinh tế từ Châu Âu và Trung Đông sang Viễn Đông, tức khu vực
Châu Á – Thái Bình dương. Công cuộc xoay trục đã có những bước tiến
thực tế khi ông Trump phát động Chiến tranh thương mại đối đầu trực diện
quyết liệt với Trung Quốc.
Một lý
do mạnh mẽ mang đến quyết định chiến lược của Mỹ là vấn đề dầu lửa. Do
những bất ổn trong khu vực, giá dầu lửa đã được đẩy lên cao hơn giá trị
thực, đúng ra là bằng với giá của cán cân cung cầu cộng với yếu tố tâm
lý. Điều này vô hình chung đã tạo ra một cú hích cho việc khai thác dầu
phiến đá ở Mỹ bởi vì loại dầu này có giá thành rất cao, nếu giá dầu thấp
thì sẽ không thể huy động được vốn cho sản xuất. Với dầu phiến đá, nước
Mỹ đã có thể tự túc dầu lửa, không còn phụ thuộc nguồn dầu từ Trung
Đông, thậm chí còn xuất khẩu. Đến nay, giá dầu lửa sụt giảm thì cũng là
lúc các công ty Mỹ đã có những trải nghiệm thời gian cho việc cải tiến
công nghệ, giảm thiểu chi phí để cạnh tranh được với thị trường.
Vấn
đề đặt ra là, liệu Mỹ rút ra có tạo nên một khoảng trống quyền lực và
Phương Tây có từ bỏ các lợi ích của mình tại một khu vực truyền thống,
nơi có nguồn năng lượng dầu lửa không lồ không ? Thực tế cho thấy, sau 4
cuộc chiến với liên quân Ả Rập, Israel đã tỏ ra có đủ năng lực tự bảo
vệ an ninh quốc gia với các nước láng giềng đông dân nhưng kém cỏi về vũ
khí và tác chiến.
Đáng chú ý, vai
trò của Nga giảm hẳn so với thời kỳ Liên Xô trước đây, vào lúc “thành
trì” của CNXH đã tạo được một mạng lưới đồng minh gắn bó ở Ai Cập,
Syria, Nam Yemen, Algeria, Afghanistan... Hiện nay, Nga chỉ còn bấu víu
vào chế độ Assad ở Syria nhưng việc này cũng làm cho họ lâm vào thế khó
xử bởi việc cha con nhà Assad có truyền thống đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ,
tạo ra bất đồng với một nước mà Nga cũng muốn lôi kéo. Trong khi đó, do
khác biệt về ý thức hệ giữa Hồi giáo với Cộng sản, Trung Quốc chưa tạo
được nhiều ảnh hưởng ngoài trừ nhà độc tài Barshir của Sudan, người được
coi là thân Trung Quốc nhất thì mới bị lật đổ.
Mười
tám năm trôi đi, cuộc tấn công Tòa tháp đôi không cướp đi sinh mạng của
6,000 người như dự đoán ban đầu vì thời điểm phát nổ sớm hơn giờ làm
việc văn phòng, nhưng nó cũng để lại những hậu quả không thể lường
trước. Dường như kẻ chủ mưu Bin Laden đã đạt mục đích là Mỹ rút ra khỏi
khu vực, nhưng một Trung Đông hỗn độn như hiện nay liệu có phải là điều
hắn muốn ? Trong chiến lược ”xoay trục” thì an toàn cho nước Mỹ không
phải là lý do duy nhất, mà còn có nguyên nhân dầu lửa và “địa chính
trị”, để đối phó với một cường quốc đang nổi lên là Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét