Gần đây, qua những lời giới thiệu của bạn bè, một số người tìm đến tôi để hỏi kinh nghiệm hội nhập trong một xã hội mới, với cuộc sống mới khi sang Úc định cư. Họ hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai đây vì tình cảm và năng lực của mỗi người một khác. Họ hỏi tôi chẳng qua vì họ quá lo lắng, nhưng đôi khi lại tự tin thái quá khi đặt ra những mục tiêu không tưởng, cũng giống như tôi trước đây.
Thực sự, so với thời điểm tôi qua Úc cách đây 25 năm, khi mà việc làm dễ kiếm, lương không kém bây giờ bao nhiêu mà vật giá nhất là giá nhà đất và giá thực phẩm chỉ bằng 1/3, 1/4 hiện nay thì rõ ràng cuộc sống bây giờ nhiều thách thức và khó khăn hơn. Thôi thì tôi cũng ghi lại những câu hỏi thường gặp, biết đâu mang lại đôi chút bổ ích cho ai đó.
Vấn đề mua nhà hay thuê nhà
Trong đầu của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng rất muốn sở hữu nhà. Đó là nhu cầu rất chính đáng, ít nhất nó cũng mang lại cảm giác yên tâm về tâm lý và là một nơi cất tiền tin cậy. Các bạn tôi muốn nơi ở phải gần chỗ làm việc, chỗ học của con cái. Rồi mua ở chỗ nào có triển vọng tăng giá, lại nữa dễ cho thuê. Cái này tôi phải nói thẳng, một mũi tên chỉ bắn được một con chim, nếu muốn ba mục đích cùng lúc sẽ sẽ chẳng đạt được điều nào. Nếu tôi được lựa chọn, chỉ cần chỗ nào thuận tiện, gần ga tàu và các điểm giao thông, gần shop và chỗ cung ứng hàng hóa dịch vụ.
Nói chung chưa nên vội vàng mua nhà mà nên đi thuê. Sau khi ngắm nghía, có thêm thông tin thì quyết định mua cũng chưa muộn.
Tìm trường học cho con cái
Nhiều bạn hỏi trường nào tốt. Cái này dễ vì ở trong nước cũng kiểm tra được qua internet, chỉ cần đánh chữ “school ranking” trong google là có đầy đủ thông tin. Nhưng không cần quá kỹ lưỡng về chuyện này vì các trường tiểu học ở Úc đều tốt, không chênh lệch nhau nhiều.
Các bậc cha mẹ đều muốn con mình học giỏi, đó là điều hiểu được. So với Việt Nam, bên Úc rất ít học thêm, thường chỉ 1-2 buổi/tuần, cũng không có chuyện “quan hệ” với thầy cô để lấy điểm cao nên có thể nói cha mẹ khó “đủn đít” cho con mình. Một đứa trẻ sang môi trường mới, ít nhiều gặp trở ngại nên nếu đặt mục tiêu phải giỏi ngay thì có lẽ chưa phù hợp. Khả thi hơn là cố gắng bằng chúng bạn, sau đó vươn lên trung bình khá và nếu còn khả năng thì đến lớp 12 mới tiến lên hơn người được.
Về lái xe và di chuyển
Một số bạn sang Úc mới đi học lái xe. Đây là điều lãng phí thời gian và tiền bạc vì lệ phí học lái xe bên này rất đắt, đáng lẽ nên chuẩn bị chu đáo cho việc này trước khi đi.
Nếu bạn có con nhỏ thì việc mua xe gần như là bắt buộc. Bằng không thì có thể tính đến phương án thuê xe mỗi khi cần và chủ yếu dùng phương tiện công cộng với mạng lưới dầy đặc tại Úc. Xe bên này rẻ nhưng chi phí “nuôi” xe rất đắt, khi bán xe lại thường “lỗ nặng”; trong khi bạn chưa có thu nhập ổn định thì đây là điều phải tính.
Tìm việc làm
Hồi trước vợ chồng tôi ngại đi tìm việc nên tự mở doanh nghiệp để kinh doanh. Thất nghiệp mà lại kiếm việc làm bằng cách tự mình là chủ là một điều tối dại dột, vì làm chủ gian nan hơn làm thuê rất nhiều, may mà tụi mình không bị mất tiền. Ngoại trừ bạn đã từng có kinh nghiệm làm việc cho một công ty lớn, nổi tiếng, điều cho phép bạn có thể “hiên ngang” bước vào thị trường lao động, nếu không thì cách thực tế để dễ có việc làm là phải qua các mối quan hệ, qua sự quen biết giới thiệu. Cho dù bạn có năng lực mà chưa có kinh nghiệm thì cũng khó thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn sẽ mang được cống hiến nào đó. Nhưng nếu một ai đó đứng ra chịu trách nhiệm hướng dẫn cho bạn, ít nhất về thái độ làm việc, thì người chủ nhân sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Một mẹo nhỏ nữa, bạn đừng “kén cá chọn canh”, yêu cầu một công việc hoàn hảo về mức lương, đúng ngành nghề, gần nhà... Điều cấp bách là phải đi làm ngay, sau đó thấy cái nào tốt hơn thì nhảy việc, có sao đâu.
Rất nhiều điều mới lạ
Trợ cấp xã hội, Bảo hiểm, Nợ ngân hàng, Thủ tục hành chính, Pháp lý,v.v...là những khái niệm hoàn toàn mới lạ mà bạn phải thích ứng hội nhập càng sớm càng tốt.
Cơ quan phụ trách vấn đề trợ cấp xã hội gọi là centrelink, nơi bạn có thể đến đề nhờ cậy trong các việc tìm việc làm, tìm trường mẫu giáo-phổ thông, các khoản trợ cấp tiền điện-nước, thậm chí là ... xin tiền tiêu qua các gói tiền thất nghiệp và tiền nuôi con.
Tâm lý chung là không ai muốn mất tiền cho bảo hiểm, nhưng khi có chuyện thì đôi khi "chạy" bảo hiểm không kịp. Có rất nhiều loại bảo hiểm “bủa vây” chúng ta: bạn có xe hơi bạn cần hai loại bảo hiểm; y tế cũng có hai loại, rồi bảo hiểm việc làm, nhà cửa, thuê mướn...
Nợ ngân hàng cũng là một “trạng thái” khá mới lại. Tùy theo tình trạng tài chính, bạn quyết định mức nợ cho hợp lý, làm sao đừng lỡ cơ hội đầu tư và ngược lại, sẽ là liều lĩnh và căng thẳng khi nợ quá nhiều.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất: kết bạn
Có người nói với tôi họ muốn sống ở nơi “nhiều Tây”, ý là muốn tránh người Việt. Nhưng Tây hay Việt thì cũng đều có người tốt người xấu. Tôi đã biết có trường hợp, Việt Nam thì không tin nhau, đòi chơi với Tây rồi bị nó lừa cho tiền mất tật mang. Cho dù bạn có cực giỏi tiếng Anh thì “triển vọng” để kết thân với bạn Tây cũng khá mỏng manh, không như con cái bạn, những đứa trẻ sinh trưởng trong cùng một môi trường thì dù khác màu da, chúng vẫn dễ dàng hiểu nhau.
Ở Việt Nam, bạn có cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè chiến hữu “nối khố”, toàn những người lúc nào cũng dang rộng cánh tay giúp đỡ mỗi khi bạn gặp hoạn nạn. Bên này khó khăn chồng chất, nhưng lại không dễ tìm ra nơi nương tựa. Bạn có chuyện đột xuất không thể đi đón con, bạn có thể nhờ cậy ai ? Hoặc gặp những sự cố lớn hơn về sức khỏe, pháp lý hay chỉ là không có việc làm thì biết trông vào đâu ?
Nhiều bạn hay ít bạn là tùy thuộc theo tính cách từng người, nhưng dù thế nào cũng cố tìm ra vài người bạn tâm giao để tâm sự vui buồn và đùm bọc lẫn nhau. Cái này lại liên quan đến chuyện chọn nơi ở vì Sydney hay Melbourne đều rất rộng, nếu bạn ở một mình một cõi thì rất khó giao lưu bạn bè. Ngược lại, nếu bạn ở gần những khu có đông người Việt thì cơ hội “se duyên” sẽ lớn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét