Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Coff Harbour



Vì sao Triều Tiên trở thành một ốc đảo phòng trừ Coronavirus?

Bệnh dịch Corona đã có số bệnh nhân vượt hơn cả SARS trước đây, lây lan ra khắp thế giới, kể cả những vùng xa xôi ở Âu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc. Nhưng kỳ lạ thay, ngay tại nước láng giềng chung biên giới với "ổ bệnh" là Triều Tiên thì lại chưa hề có một trường hợp nào được ghi nhận.

Sở dĩ có điều kỳ diệu này nhờ vào việc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ rất sớm và không chỉ cấm khách du lịch Trung Quốc, lệnh phong tỏa "triệt để" còn ảnh hưởng đến đến du khách nước ngoài nói chung. Khi những tin tức về Corona vi rút mới được tung ra, với 9 người qua đời, thay vì 132 người như hiện nay thì ngày 22/1, Triều Tiên đã ngay lập tức ra lệnh cấm khách du lịch.
Trong bối cảnh Triều tiên đang bị cấm vận kinh tế thương mại, hàng hóa không được phép xuất khẩu ra nước ngoài thì "xuất khẩu tại chỗ" tức du lịch là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu.
Cũng nên nhắc lại, khi Trung Quốc, dưới sức ép của Chính quyền Trump, đã buộc tuân thủ khá đầy đủ lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên thì mối quan hệ anh em giữa hai nước đã xấu đi rõ rệt. Thậm chí, Kim Jong Un đã từng tức giận và nói Trung Quốc là "kẻ phản bội".
Tuy nhiên, nền kinh tế Triều Tiên chưa sụp đổ, một phần nhờ vào nguồn thu du lịch được đẩy mạnh và tăng cường vì đây là lĩnh vực không hề bị chế tài trừng phạt.
Trong thành phần khách du lịch thì khách đến từ Trung Quốc chiếm đại đa số. Trong năm 2019, khách Trung quốc đến Triều tiên là 350,000 người, mang lại nguồn thu 175 triệu USD cho Bình Nhưỡng.
Theo ông Andray Abrahamian, chuyên gia về Triều Tiên của ĐH George Mason, Hàn Quốc, "Bắc Hàn là nước sẵn sàng bế quan tỏa cảng hơn bất kỳ quốc gia nào".
Vào thời gian dịch bệnh SARS, Triều Tiên cũng là nước hạn chế du khách gắt gao. Đến năm 2014, dịch bệnh Ebola bùng phát, nước này lại đóng cửa biên giới trong 4 tháng.
Với việc cấm biên giới và khách du lịch lần này, không rõ nền kinh tế yếu đuối của Triều Tiên sẽ chịu đựng được bao lâu và họ Kim sẽ có cách gì khác để tìm ra lối thoát?

Cháy rừng đã làm suy giảm uy tín Thủ tướng Úc

Mặc dù các đám cháy rừng chưa hoàn toàn bị dập tắt nhưng cơn bão lửa đã lắng xuống, bầu Trời đã xanh trở lại. Đây là lúc mọi người bắt đầu tính sổ xem đã làm được gì để đối phó với thảm họa cháy rừng lớn nhất trong lịch sử.
Theo một cuộc thăm dò, các cử tri Úc cho thấy sự thay đổi ngày càng tăng trong thái độ đối với hành động của chính phủ đối với biến đổi khí hậu.
Hơn một phần ba cử tri được khảo sát "không tán thành mạnh" cách xử lý cuộc khủng hoảng cháy rừng của Thủ tướng Morrison, trong khi hơn 20% "không tán thành", khiến ông được đánh giá "chấp thuận" chỉ còn 32%.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo NSW và VIC, hai tiểu bang lớn nhất và cũng bị cháy nhiều nhất thì lại được "điểm thi đua" khá cao. Thủ hiến Victoria Daniel Andrew đã chấp thuận 58% cho cách ông phản ứng với các đám cháy đã tàn phá Đông Gippsland và vùng núi cao của bang, trong khi  55% cử tri tán thành việc xử lý các vụ hỏa hoạn của nữ Thủ hiến tiểu bang NSW Gladys Berejiklian. 
Ông Morrison đã phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội trong tháng qua vì quyết định nghỉ phép kéo dài một tuần tới Hawaii trong các vụ cháy rừng trên bờ biển phía đông.
Ông buộc phải thừa nhận người dân giận dữ với ông ta sau khi ít nhất một lính cứu hỏa đã từ chối bắt tay anh ta trong chuyến thăm thị trấn Cobargo của NSW.
Cuộc khảo sát trên 1081 người được hỏi cho thấy 36% "không tán thành mạnh" hiệu suất của ông Morrison, cộng với 21 phần trăm "không chấp thuận". 24% cử tri cho biết họ chấp thuận cách xử lý của ông, trong đó 8% tán thành mạnh mẽ, với 11% là không chắc chắn.
62% số người được hỏi cũng tin rằng chính phủ liên bang đã không làm đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng 11% kể từ tháng 3 năm ngoái.
Khoảng một nửa số cử tri của Liên đảng đã đồng ý với quan điểm rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các vụ cháy rừng thậm chí còn tồi tệ hơn trong tương lai, với 65% số người được hỏi tin rằng cần hành động nhiều hơn đối với khí hậu.
Cuộc thăm dò được tổ chức bởi Quỹ Bảo tồn Úc, Môi trường Victoria và Hội đồng Bảo tồn Thiên nhiên.
Người phát ngôn của Hội đồng James Tremain cho biết cuộc thăm dò đã cho thấy một lượng người ngày càng tăng trong thập kỷ qua lo ngại về sự đóng góp của Úc đối với biến đổi khí hậu.
"Các đám cháy trên khắp đất nước đã thực sự mang lại những tác động của khí hậu ấm lên và điều đó cho thấy hầu hết mọi người đang mong đợi mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu chúng ta không làm gì cả", ông Tremain nói. "Tôi nghĩ rằng những gì nghiên cứu cho thấy rằng chính phủ Morrison không có cùng quan điểm với công chúng về vấn đề này và đang làm quá ít để giải quyết vấn đề sưởi ấm toàn cầu."
Một sự chia rẽ công khai đã xuất hiện trong Đảng Tự do trong những tuần gần đây khi Thủ tướng Morrison phản pháo Bộ trưởng Môi trường của tiểu bang NSW Matt Kean, người cùng đảng Tư do, bởi những bình luận của ông này về "một số thành viên cao cấp nhất của chính phủ" đang gây quan ngại cho các chính sách biến đổi khí hậu.
Ông Morrison đã nhiều lần nói rằng Úc đã "đang làm" và sẽ "đáp ứng và đánh bại" các mục tiêu giảm phát thải của quốc tế.

Arsenal vẫn chưa bỏ quên con tim

Trận thư hùng đêm qua, Chelsea - Arsenal đã kết thúc với tỉ số 2-2, trong đó các chàng pháo thủ đã ngoan cường hai lần rượt đuổi tỉ số đến tận phút cuối cùng, cho dù phải chơi trên sân khách và thiếu người do Luiz bị đuổi từ giữa hiệp 1. Nhân định về việc này, HLV Arteta đã đuc kết những phẩm chất cao quý của đội, đó là "ý chí, cá tính, quyết chiến và có chỉ huy".

Trước đó một ngày, trả lời beIN Sports, cựu HLV Wengerkhẳng định: "Chúng tôi rời khỏi Highbury, nhưng có một linh hồn đã ở lại. Arsenal đã có một SVĐ mới, nhưng chúng tôi không bao giờ tìm lại được linh hồn của mình".
"Chúng tôi không bao giờ có thể tái tạo lại nó vì yêu cầu an ninh. Khoảng cách từ đường pitch tới khán đài phải trở nên lớn hơn để xe cứu hộ có thể di chuyển. Chúng tôi cũng không thể tái tạo lại bầu không khí khi các khán đài không còn độ nghiêng như ngày trước", Wenger nhấn mạnh.
Nhưng chi tiết nhỏ này để một hậu quả lớn: Từ khi chuyển từ Highbury tới Emirates vào năm 2006, Arsenal không thể vô địch Premier League trở lại và mới chỉ có 3 cúp FA. Trước đó, Arsenal có 3 chức vô địch Premier League tại sân đấu chỉ gần 39.000 chỗ ngồi như Highbury. Mùa này, "Pháo thủ" chỉ đang đứng thứ 10 trên BXH, sau khi đã chia tay HLV Unai Emery và thay thế bằng Mikel Arteta.
Những nói theo góc độ duy vật, để có tiền xây sân vận động mới, Arsenal đã phải bán đi những cầu thủ ưu tú nhất của mình như Anelka, Henry, Adebayor, Coles, Hled, Fabregas, van Persie...
Thế nhưng vẫn có những điều khó lý giải. Không thể hiểu tại sao khi về ngôi nhà mới Emirates rộng hơn, khang trang hơn thì một loạt các "thần đồng" của đội lại liên tục bị chấn thương dài hạn, có thể kể đến Diaby, Ecuardo, Rosicky, Ramsey, Whilsher, Gibbs, Walcott...Một số người đã phải sớm giải nghệ, một số khác thì không thể vươn lên tầm cao mà đáng lẽ họ đáng được hưởng.
Ngoài vấn đề nhân sự, đó là vấn đề tinh thần thì đấu. Sự tự tin, quả cảm, đam mê và lãng mạn vốn có thừa chỉ trước đó vài năm đã biến mất. Nhớ lại một số trận đấu trong quá khứ, một khi vừa bị dẫn trước, vừa mất người, đội đã sụp đổ nhanh chóng bằng một trận thua đậm.
Chelsea tưởng như chạm tay vào chiến thắng khi Cesar Azlicueta dứt điểm cận thành ở phú 84, sau đường chuyền căng của Hudson-Odoi. Hậu vệ 30 tuổi hiếm khi ghi bàn, nhưng mùa này đã ba lần cứu Chelsea: mang về một điểm ở trận hòa Ajax 4-4, giúp đội nhà thắng Lille 2-1, và gần nhất là san bằng tỷ số 1-1 ở chuyến hành quân tới Brighton hôm đầu năm mới.
Arsenal cũng có đội trưởng người Tây Ban Nha, cũng chơi hậu vệ phải và thích tham gia tấn công. Trong nỗ lực lên bóng gần như cuối cùng, Bellerin xử lý chẳng khác gì Lionel Messi, giúp "Pháo thủ" trở thành đội thứ năm tại năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, ghi hai bàn mà chỉ cần hai cú dứt điểm.
Dù không thể cải thiện vị trí, vẫn đứng thứ 10, một điểm trận này sẽ giúp Arsenal cải thiện tinh thần rất nhiều, đó là việc "con tim" vẫn chưa bị đánh mất.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn hay thôi

Hiệp định thương mại Mỹ - Trung - Giai đoạn 1 mới được ký kết, dựa theo thỏa thuận đạt được vào tháng 12 năm ngoái, dẫn đến việc bãi bỏ thuế quan dự trù của Mỹ đánh vào điện thoại di động, đồ chơi và máy vi tính xách tay và gần một nửa thuế quan 7,5% đánh vào 120 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, bao gồm truyền hình phẳng, tai nghe bluetooth và giày dép.
Nhưng Chính quyền Mỹ vẫn đánh thuế vào 370 tỷ USD hàng Trung Quốc là những loại hàng cần hạn chế mà không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu dùng. Giữa những đồn đoán về việc gỡ bỏ các khoản thuế này nếu Bắc Kinh thực hiện tốt các cam kết, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh “không có thỏa thuận tương lai nào nhằm giảm thuế”.
Đổi lại, Chính quyền Bắc Kinh đã đồng ý nâng mức mua hàng hóa Mỹ lên thêm 200 tỷ USD so với mức 2017. Lượng hàng đó sẽ bao gồm 75 tỷ USD từ ngành chế tạo, 50 tỷ USD năng lượng, 40 tỷ USD hàng nông nghiệp và 35-40 tỷ USD dịch vụ.
Theo cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói với Fox News là thỏa thuận sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, các nhà bình luận lại cho rằng phía Mỹ đã đánh mất những lợi thế đã tạo ra và đã “ăn non” trong một cuộc chiến mà họ đáng lẽ có thể gặt hái được nhiều thành quả hơn.
Cục thống kê quốc gia Trung Quốc hôm nay cho biết tăng trưởng GDP của nước này năm 2019 là 6,1%, tương đương dự báo do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra và thấp hơn so với con số 6,6% năm 2018. Mặ dù con số này vẫn được coi là “hoàn thành kế hoạch” vì mục tiêu của Trung Quốc chỉ là 6-6.5% nhưng lại là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Thực ra tốc độ tăng trưởng GDP chẳng có nhiều ý nghĩa đối với các nước nhưng nó lại được coi là bằng chứng cho tính “ưu việt” của chế độ, hơn nữa nó cũng cần để giữ việc làm cho một dân số 1.4 tỉ người. Vì thế, có thể hiểu Trung Quốc không muốn tổn thương thêm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ để giữ cho chỉ số này không rơi vào thảm họa.
Lý do mà chính quyền của ông Trump phải chấp nhận “hưu chiến” nửa chừng thế này vì cuộc bầu cửa Tổng thống Mỹ đang tới gần. Giả sử có theo đuổi những thỏa thuận sâu rộng hơn thì nó vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi tổng thống mới, như ông Trump đã từng làm với người tiền nhiệm. Còn đối với Bắc Kinh, họ chấp nhận nhún nhường một chút để “chờ đợi”.
Cội nguồn của chiến tranh thương mại là vấn đề Sở hữu trí tuệ và chênh lệch cán cân thương mại. Với thỏa thuận kể trên, việc sở hữu trí tuệ được hứa hẹn một cách chung chung, còn việc mua hàng thêm của Trung Quốc vẫn là khá xa để cân bằng quan hệ xuất nhập khẩu với Mỹ.
Vấn đề mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc trợ giá hàng xuất khẩu thì vẫn chưa được “đụng” đến một cách thỏa đáng. Việc trợ giá của Trung Quốc không chỉ là thao túng tiền tệ, lũng đoạn tài chính mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn về việc bảo vệ quyền lợi người lao động.
Quyền lợi người lao động không chỉ là vấn đề sinh hoạt văn nghệ, đi du lịch cho công nhân, mà tiền lương mới là chuyện cốt lõi. Do chưa có các công đoàn động lập, có thể hiểu người lao động Trung Quốc không được trả lương xứng đáng và điều này là giá thành các sản phẩm “made in China” tụt giảm so với giá trị thật của nó và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này thuộc về mối quan hệ chủ thợ, quan hệ sở hữu và lại liên quan đến bản chất chế độ.
Nhìn dưới góc độ khác, từt nền kinh tế xuất phát từ một nước “thế giới thứ ba” như Trung Quốc, với trình độ kỹ thuật thấp, khả năng quản trị yếu thì không có sự trợ giá thì không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, chứ đừng nói đến kim ngạch xuất siêu khổng lồ.
Ngay cả trong trường hợp ông Trump tái cử nhiệm kỳ hai, một xu hướng rõ rệt vào lúc này, thì vẫn cần đặt câu hỏi ông có đủ quyết tâm để theo đuổi giải quyết những “lỗ hổng” kinh hãi kể trên, hay bằng lòng với những thành tích vừa đủ khấm khá hơn cho nền kinh tế Mỹ ?

Nước Úc có thực sự là một tấm gương bảo vệ môi trường?

Xưa kia, nói đến nước Úc, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một nơi đáng sống, với bầu Trời xanh bao la, nước biển trong như ngọc, từng đàn muông thú ngơ ngác, nhởn nhơ. 
Mới tháng 9 năm ngoái, tại Diễn đàn Liên hợp quốc, Thủ tướng Úc Morrison đã dõng dạc tuyên bố rằng, cả nước Úc rộng lớn mà chỉ góp có 1.3% tổng số khí nhà kính thải vào khí quyển.
Sự thật có phải như vậy không? 
Úc là nước đứng thứ ba thế giới, sau Nga và Saudi Arabia trong việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch nói chung, riêng về than thì đứng đầu thế giới, đồng hạng nhất với Qatar về khí hóa lỏng (LCD).
Tất nhiên, số nhiên liệu mà các nước mua của Úc sẽ được đưa vào đốt sử dụng. Tính đến yếu tố này thì số khí thải có nguồn gốc Úc gấp lên bốn lần nữa, trở nên cao hơn bất kỳ nước nào, ngoại trừ Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật.
Khí thải của Úc, với dân số chiếm 0.3% sẽ thải ra 5% lượng khí thải của thế giới chứ không phải 1.3% như "giả định".
Đó chính là điều Úc đã lừa dối thế giới và lừa dối chính mình. Hơn nữa chính sách của Úc chưa hề có dấu hiệu nhận biết điều này để thay đổi. Dự kiến, Thủ tướng Úc sẽ đi thăm Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước nhập khẩu than lớn nhất của Úc để "bàn về thương mại", thực chất là đẩy mạnh việc bán than.
Năm 2018, Úc xuất cảng 67 tỉ AUD than đá, chiến 3.5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó có Việt Nam.
Mọi người biết rằng, đợt cháy rừng lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra là do biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm hai độ C nữa như dự đoán thì đồng ruộng lúa mì trùng điệp của Úc sẽ bị san phẳng như sa mạc, rạn san hô Great Barrier Reef hùng vĩ nhất hành tinh sẽ bị tẩy trắng và chết.
Thị trấn vườn địa đàng nổi tiếng Eden trong bộ phim "Trở về Eden", biểu tượng tươi đẹp của ân huệ thiên nhiên đã vừa trải qua một trận hủy diệt khủng khiếp từ lửa. Những ví dụ điển hình như vậy mà được nhân lên sẽ mang đến một bộ mặt khác hẳn về nước Úc, như thiên đường xuống địa ngục.
Không hiểu đến bao giờ các nhà hoạch định chính sách của Úc mới dám từ bỏ các mối lợi nhỏ về bán than, bán khí đốt để cứu lấy môi trường.

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Một du học sinh người Singapore bị bắt giữ tại sân bay Úc vì mang búp bê tình dục trẻ con

Một du học sinh người Singapore 26 tuổi đã bị buộc tội ở Úc sau khi các nhân viên hải quan phát hiện ra một con búp bê tình dục giống trẻ con trên đường đến từ Trung Quốc.
Người không bị tiết lộ danh tính này đã bị bắt tại sân bay thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc, vì trong kiện hàng hóa của anh có một búp bê tình dục giống như trẻ em bằng silicon, theo lực lượng Biên phòng Úc (ABF).
Một con búp bê tình dục giống như trẻ em là bị coi như một hình thức lạm dụng trẻ em mới nổi mà ABF quyết tâm ngăn chặn việc vượt qua biên giới. Những con búp bê được sản xuất cho mục đích tình dục mô tả một đứa trẻ dưới 18 tuổi được phân loại là 'hàng hóa phản cảm' và bị cấm nhập khẩu vào Úc.
 Anh chàng tàng trữ "đồ chơi" kể trên đã ở Úc bằng visa sinh viên. Anh ta còn chịu lệnh khám xét nơi ở, tuy nhiên lại được tại ngoại cho đến khi phải ra Tòa vào ngày mai 17/1.
Nếu bị kết tội nhập khẩu vật dụng lạm dụng trẻ em, anh ta phải đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù và phạt tiền 525.000 đô la Úc (360.000 USD).
Các nhà chức trách cho biết Úc đã ngăn chặn số lượng búp bê như vậy ngày càng tăng trong những năm gần đây. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã phải đối mặt với sự phẫn nộ vì đã sản xuất và bán búp bê giống với trẻ em để thỏa mãn tình dục. 
Úc đã cấm những sản phẩm này và lực lượng hải quan còn cho biết họ đã bắt giữ hàng chục người liên quan vào năm ngoái. 

Lộ diện người sẽ lên thay Vua Qaboos của Oman vừa qua đời

Quốc vương Oman Qaboos bin Said đã qua đời đêm 10/1 như truyền thông nước này thông báo. Quốc vương không có con, anh em ruột và không công khai bổ nhiệm người kế vị.
Vị vua 79 tuổi, sắp sang tuổi 80 (sinh năm 1940) đã trị vì vương quốc Arab từ khi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ vua cha vào năm 1970, với sự giúp đỡ của Anh.
Một đạo luật năm 1996 ở Oman quy định rằng hoàng gia phải chọn người kế vị trong vòng ba ngày sau khi ngai vàng bỏ trống.
Quốc vương Qaboos bin Said để lại một cái hai cái tên bí mật trong chiếc phong bì niêm yết phòng trường hợp hoàng gia không thể quyết định. Nếu hoàng gia không thống nhất về người kế ngôi, một hội đồng quan chức quân sự và an ninh, cùng những người đứng đầu tòa án tối cao cùng lãnh đạo quốc hội sẽ lựa chọn một trong hai người có tên trong di thư của quốc vương lên nắm quyền.
Trong quá khứ, Oman từng là một đế quốc với khả năng tàu thuyền vượt trội, đã khống chế cả vùng biển Ấn Độ dương, các bờ biển phía Đông bán đảo Ả Rập, bờ biển đông Bắc châu Phi và bờ biển Nam Iran. Đế quốc Oman suy yếu, dần dần chỉ còn lại diện tích khoảng 300,000km2 như ngày nay. Tuy nhiên, khi vùng đất Dhofar phát hiện và bắt đầu sản xuất dầu lửa từ năm 1967 thì tỉnh này đã ly khai ra khỏi Oman.
Là một người được đào tạo về quân sự tại Anh, Qaboos đã lên ngôi để trực tiếp chỉ huy tác chiến và thu hồi lại lãnh thổ. Trong thời gian trị vì của Quốc vương Qaboos bin Said, Oman đã từng bước hiện đại hóa và tái hòa nhập với thế giới hiện đại và trở thành quốc gia khá ổn định trong thế giới Ả Rập.
Tuy nhiên, vào thời gian cao trào của “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011, Oman đã có những cuộc biểu tình lớn đòi cải cách chính trị và mở rộng dân chủ. Rất may cho Qaboos, tình hình “đâu lại vào đấy”, ông vẫn tiếp tục giữ vững quyền lực cá nhân, kiêm nhiệm Thủ tướng, Ngoại trưởng, Bộ trưởng ngoại giao và Tổng tư lệnh quân đội và cảnh sát.  
Đến năm 1014, Qaboos gặp vấn đề sức khỏe, bị tiểu đường và ung thư trực tràng, phải điều trị 8 tháng ở Đức. Ngay mới tháng trước, ông cũng sang bệnh viện ở Bỉ trong vòng một tuần.
Hiến pháp Oman có quy định những điều kiện của một sultan (quốc vương), bên cạnh những tiêu chuẩn về đạo đức và tài năng thì cũng có những ràng buộc về cha và mẹ. Chế độ nô lệ của Oman mới được chính thức bãi bỏ từ năm 1970, và một hoàng tử con của “nàng hầu” thì vẫn được hưởng nhiều bổng lộc nhưng sẽ không được quyền nối ngôi. Theo đó, khoảng 80 người các tiêu chí để trở thành người kế tục Qaboos.
Qaboos “hy sinh” cả cuộc đời cho đất nước mà không có vợ con, nhưng một điều thầm kín được tiết lộ rằng, ông là một người đồng tính, mặc dù cũng không có bằng chứng về quan hệ luyến ái cho việc này. Nhưng đó cũng không phải là lý do Oman không có Thái tử mà đó là do truyền thống của họ từ thế kỷ 18. Theo đó, Hội đồng hoàng gia sẽ lựa chọn một người “xứng đáng” nhất để lên ngôi thay vì sự chỉ định của tiên vương.
Theo giới thạo tin, người gần như chắc chắn sẽ trở thành tân vương chính là Assad bin Tariq, 65 tuổi, hiện là phó thủ tướng và cũng là người thường xuyên “thay mặt” Qaboos trong các buổi tiếp tân đối ngoại kể từ khi được được bổ nhiệm vào tháng 3/2017. Thật ra Oman còn một phó Thủ tướng nữa là ông Fahd bin Mahmoud, người đã giữ chức này từ năm 1972 đến nay và đã sắp sang tuổi 80.
Oman được biết đến như trung tâm hòa giải của Vùng Vịnh và có một chính sách đối ngoại khá năng động, thậm chí có phần “lắt léo”. Những động thái “khác thường” của Oman có thể kể đến nước này không theo đuôi Saudi trong việc cắt đứt quan hệ và tẩy chay Qatar như các nước vùng Vịnh khác. Đặc biệt hơn, vào năm 2018, Qaboos còn đích thân mời Thủ tướng Israel Netanyahu sang thăm thủ đô Muscat. Mặt khác, Oman lại có quan hệ khá gần gũi với nước Iran láng giềng và không đối kháng với phe Shiit thân Iran tại Yemen.
Không chỉ đối ngoại, một bài toán hóc búa khác đối với vị tân vương của Oman là vấn đề thoát khỏi sự phụ thuộc dầu lửa khi mà nguồn tài nguồn này chiếm 75% ngân sách của đất nước gần 5 triệu dân.

Vì sao “điểm nóng” Iran đã nhanh chóng hạ hỏa

Việc Iran bắn “chỉ thiên” vào hai căn cứ của Mỹ tại Iraq mà không gây thương vong đã đạt được đồng thời hai mục đích, vừa là một cách trả thù cho tướng  Qasem Soleimani  đồng thời không để Mỹ đánh trả.
Một chuyện cũ kể rằng, khi chỉ huy ra lệnh “xung phong” thì các chiến sĩ Ả Rập đã “anh dũng” chĩa súng lên Trời bắn rất hăng. Tất nhiên đây là câu chuyện từ trong “nội bộ” chứ người ngoài biết sao được. Kết quả, trong cả bốn cuộc chiến từ năm 1949 đến 1973 của Liên quân các nước Ả Rập với Israel, phía Ả Rập đều “thua”, bị chiếm mất nhiều đất.
Năm 1979, Ai Cập, nước hùng mạnh nhất trong liên minh Ả Rập đã ký Hiệp ước hòa bình với Do Thái để lấy lại bán đảo Sinai. Riêng cao nguyên Golan, Israel vẫn còn giữ của Syria vì không muốn trao trả lại cho chế độ của cha con Assat.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2003, đội quân gần một triệu người của Hussain gần như nằm yên, chỉ đánh trả một cách yếu ớt khi quân đội Liên quân do Mỹ đứng đầu tiến vào lãnh thổ Iraq. Đó là nguyên ngân có thể hiểu được, thời gian quân đội Mỹ tham chiếm tại Iraq lâu hơn thời gian ở Việt Nam nhưng tổn thất nhân mạng lại ít hơn nhiều. Tại Việt Nam, khoảng 58,000 lính Mỹ tử trận so với 4,500 ở Iraq.
Mạng sống con người có phải là cái đáng quý nhất đối với người Mỹ. Năm 2020, ngân sách dành cho quân sự của Mỹ lên đến 730 tỉ USD, gấp nhiều lần so với các cường quốc khác. Một trong những mục tiêu chính để Mỹ chi nhiều tiền là làm sao thương vong cho lính Mỹ giảm thiểu tối đa.
Trong năm 2019, Iran đã có nhiều động thái như bắn rơi máy bay không người lái, bắn giữ tàu thuyền nhưng phía Mỹ đều “nhịn”, lý do chính vì chưa có thương vong. Chính vì thế, Iran cũng hiểu rằng, vụ bắn tên lửa ngày 8/1 vừa qua sẽ không dẫn đến hành động trả đũa nào nếu không có thương vong.
Đối với Mỹ, điều quan trọng là vụ tấn công của Iran không gây thương vong nào đối với quân đội Mỹ cũng như Iraq. Do đó, Tổng thống Trump có thể không cảm thấy bị áp lực phải trả đũa. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cũng cho biết ông đã được thông báo trước về các cuộc tấn công và chuyển lời cảnh báo đó đến lực lượng quân đội đồn trú tại căn cứ.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ý muốn không gây thương vong khá rõ nhưng một điều đáng tiếc đã vẫn xảy ra
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Ottawa ngày 9/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nhiều nguồn tin tình báo của nước này và các đồng minh cho thấy, tên lửa đất đối không của Iran đã bắn hạ chiếc máy bay Boeing 737 mang số hiệu 752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm 8/1.
Thủ tướng Trudeau nhận định hành động của Iran rất có thể là “không cố ý", song thông tin này dường như khiến cuộc điều tra vụ việc phải được tiến hành kỹ lưỡng hơn.
Chiếc máy bay của UIA bị rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở thủ đô Tehran của Iran, khiến 176 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 63 người là công dân Canada. Mặc dù đây là máy bay của hãng hàng không Ukraine nhưng chỉ có 11 hành khách nước này, đông nhất là người Iran và trong số những người có quốc tịch phương Tây như Canada, Thụy Điển, Anh, Đức thì cũng là phần lớn là người gốc Iran.
Đồng quan điểm với ông Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày cũng cho rằng đã có hàng loạt bằng chứng cho thấy chiếc máy bay của UIA có thể đã bị một quả tên lửa đất đối không bắn hạ.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 9/1, Thủ tướng Johnson đã lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra minh bạch về vụ rơi máy bay của Ukraine tại Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Zelenskiy đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani để thảo luận về hoạt động điều tra đối với vụ tai nạn máy bay hôm 8/1. Tin mới nhất cho hay, phía Iran đã bất ngờ mời Ủy ban an toàn quốc gia Mỹ (NTSB) tham gia điều tra về vụ rơi máy bay và phía Mỹ đã đồng ý.
Tại nạn thương vong ngoài ý muốn này dường như lại trở thành một lý do bất ngờ cho hai bên tránh để xảy ra những cái chết khác.
Washington hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phá hủy nhằm vào Iran nhưng cái giá phải trả là quá cao và cả hai bên đều đủ tỉnh táo và khôn ngoan để nó không xảy ra.
Trong bài phát biểu chính thức hôm 8-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn giảm leo thang khủng hoảng với Iran. Cụ thể, ông Trump không nêu ra bất cứ lời đe dọa nào về hành động quân sự chống Iran mà chỉ nói sẽ trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Trước đó cùng ngày, Tehran cũng tuyên bố nước này “đã tiến hành và hoàn tất” các hành động đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, song sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 8-1 cho biết nhận được tin tình báo Iran đã yêu cầu nhóm vũ trang ủy nhiệm ngừng tấn công những mục tiêu hoặc thường dân Mỹ trong khu vực. Ông khẳng định hoan nghênh động thái của Tehran và hy vọng sẽ có thêm nhiều cử chỉ hòa bình trong tương lai.
“Iran có thể trở thành một đất nước tuyệt vời. Hòa bình và ổn định là hai thứ không một thế lực nào có thể ngăn cản được ở Trung Đông.” - ông Trump khẳng định.

Uống rượu lái xe – Điều nhức nhối không nguôi ở tất cả các nước

Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, khoảng 10.000 người chết, trong đó phần không nhỏ vì có nồng độ cồn trong máu. Con số khủng khiếp này có khiến mọi người nghĩ rằng phải làm gì đó, chứ không thể để tình trạng này kéo dài mãi.
Tuy nhiên khi nhìn vào “biểu giá” về những hình phạt uống rượu lái xe, kể cả lái...xe đạp, thì người ta lại cho rằng nó quá khắc nghiệt. Đặc biệt là nó còn có vẻ không khả thi, ví dụ như ăn ba quả vải, uống ly sinh tố cũng làm nồng độ cồn không khác gì uống rượu khi “thổi ống”.
Người viết bài này tin rằng, ăn trái cây, hay uống vài viên thuốc bệnh thông thường thì không hề ảnh hưởng gì đến việc lái xe. Ngặt cái, “ống thổi” là vật vô tri vô giác, không thể phân biệt được sự khác biệt này?
Trên trang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có danh sách nồng độ cồn cho phép ở các nước khi lái xe, theo đó có một số nước xử phạt bất cứ nồng độ nào trên zero. Đáng chú ý, Việt Nam đã gia nhập với các nước Hồi giáo như Azerbaijan, Bangladesh, Djibouti, Iran, Kazakhstan, Pakistan, UAE, Uzbekistan cũng như ba nước Đông Âu (Hung, Tiệp, Romania) và ba nước Nam Mỹ (Brazil, Paraguay, Uruguay) để áp dụng chính sách hà khắc nhất về uống rượu.
Tuy nhiên, khi áp dụng thì phần lớn các nước đều dùng một giới hạn cao hơn zero để tránh phạt lầm vì sai số khi đo. Chẳng hạn Brazil tuy có "zero tolerance" nhưng chỉ phạt ở mức 0,2 gram/lít hơi thở trở lên. Nhưng tại Trung Quốc trên 80mg thì được miễn phạt tiền, “chỉ” phải đi tù 3 năm.
Đa số các nước khác áp dụng luật cấm “Zero” cho các giới hạn về tuổi hoặc đang tập sự lái xe. Các nước “tiên tiến” dường như có sự nương nhẹ hơn về nồng độ cồn khi lái xe.
Ở Tây Âu, mức phổ biến luật giới hạn nồng độ cồn trong máu khi lái xe là 0.05%, riêng Anh, Liechtenstein, Malta cho phép tới 0.08%, còn Nga là 0.029%. Úc thì mới sửa đổi Luật để hạ giảm mức phạt từ 0.08% xuống còn 0.05%.
Ván đề ở chỗ, nồng độ cồn cấm khác nhau có phản ứng khác nhau như thế nào về chỉ số tai nạn giao thông?
Theo thống kê của WHO trong năm 2017 thì tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông ở Malta là 4.62 trên 100.000 dân. tỷ lệ đó ở Anh là 2.58, ở Đức là 3.54. Ở các nước cấm hoàn toàn uống rượu lái xe như Tiệp là 5.97, ở Hungary là 6.22, ở Romania là 7.89, ở Nga khá cao là 15.85, trong khi Việt Nam lên đến 23.60.
Số liệu trên cho thấy chế tài mạnh về uống rượu lái xe chỉ là một phần của vấn đề. Phần còn lại là các yếu tố tác động khác như hạ tầng, các hình thức tham gia giao thông (phương tiện công cộng ra sao), mật độ dân số... và đặc biệt là việc thực thi pháp luật ở đất nước đó. Luật thật chặt chẽ, chế tài thật nặng nhưng nếu vẫn còn “lỗ hổng” hối lộ cho cảnh sát giao thông thì chất lượng cuộc sống giao thông của người dân vẫn không thể được cải thiện.
Cánh lái xe bên Úc cũng thường “mách nước” cho nhau cách qua mặt cảnh sát thổi rượu. Bạn chỉ cần bật điều hòa tối đa, hướng về điều hòa rồi hít thở thật sâu ba lần. Bảo đảm dù có uống “ngất ngư còn gà Tây” thì vẫn không thể vượt ngưỡng 0.05. Trong trường hợp này, cảnh sát có thể yêu cầu thử máu thì vẫn không thể thoát được.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Lắc lẻo


Chuyện kể năm 2019


Chẳng hiểu làm sao, chiều tối ngày 30 cuối năm rồi mà mình vẫn còn lang thang một mình ở một nơi rất xa thế này. Bây giờ có bắt xe đò về Sydney thì vẫn phải đổi sang xe lửa một lần nữa, tổng cộng 5 tiếng, nửa đêm mới về đến nhà.
Cuộc sống, tất cả mọi chuyện cũng chỉ là vui hay buồn. Thông thường, chúng ta buồn vô cớ và vui không lý do.
Có hai thế giới tác động đến chuyện vui buồn là thế giới ảo và thế giới thực. Nói về ảo thì năm nay mình kết bạn hơi nhiều. Thậm chí là nhảy vọt vì trong 9 năm chơi Facebook chỉ có 1400 bạn, riêng năm 2019 tăng gần gấp đôi, thành 2700. Tí nữa mình sẽ nói lý do tại sao có thêm nhiều bạn thế.
Có một bạn gái mới quen nhắn tin: "anh bao nhiêu tuổi, có vợ chưa", làm sướng đê mê 10 phút. Ngược lại, một thằng trời đánh còm rất vớ vẩn: "mày mất gốc rồi à? ". Chẳng hiểu gốc là cái gì, to hay bé, có rễ không?
Chuyện thế giới thực, năm nay bay lượn hơi nhiều, mặc dù so với thời 2001-2011 thì chưa ăn thua. Tháng 1 đi Perth, tháng 5 đi Việt Nam, tháng 10 là Nhật.
Ở Úc, gặp nhau thì hay hỏi: có nhiều jobs không? Trả lời: Có. Vậy chắc nhiều tiền (câu này không hỏi thẳng mà thường bóng gió). Trả lời: Không!
Chỉ đủ tiêu thôi, để không phải xin tiền trợ cấp centrelink nuôi con và đủ để đưa vợ con đi du lịch nước ngoài.

Một người quá đát như mình, lại chẳng nghề ngỗng gì, có người mướn là mừng rồi, mong gì lương cao. Năm nay có một việc làm mới là cộng tác viên cho một tờ báo mạng Việt ngữ bên Mỹ.
Bà xã mình hay nói, ông cứ viết linh ta linh tinh, chẳng được gì mà chỉ mất thời gian. Thì đây, một bằng chứng không thể chối cãi, mình viết có lương đàng hoàng.
Không chỉ vậy, vì có tên tuổi trên một tờ báo mạng mà mình dễ dàng có thêm rất nhiều bạn trong không gian internet.
Mình có một thói quen kể từ khi lấy vợ là hầu như buổi tối không ra khỏi nhà, mặc dù biết là nếu chịu khó đi quan hệ, về gián tiếp, có thể kiếm thêm tiền. Mình thích làm ly rượu, rồi ngồi hoặc nằm coi tivi hơn.
Mình hãnh diện vẫn còn thời gian để làm thiện nguyện. Làm cho trường của hai cháu mỗi tuần một buổi, còn thỉnh thoảng nguyên ngày cho Children's festival.
Năm mới mà ai chúc phát tài phát lộc thì mình không nhận đâu, xin nhường cho người khác.
Thực ra mình vẫn muốn có thêm việc làm, nhưng sức khỏe không cho phép. Có một vợ, nếu thêm thì về mặt sức khỏe... cố được, có điều không ham nữa. Đại khái mình bằng lòng với thực tại, không muốn thêm bớt gì cả.
Già cũng đủ rồi, không muốn lão thêm nữa. Cái này khó à nha.
Đôi khi nghĩ về bản thân cũng buồn cười. Cuộc đời làm trai quá phiêu bạt, lên voi xuống chó, lang thang các nẻo đường...

Ảnh: cảnh chầu chực xe đò về nhà

Cái chết của Tư lệnh vệ binh Iran đe dọa chiến tranh leo thang ở vùng Vịnh

“Tôi sẽ ra lệnh thực hiện ‘hành động đánh phủ đầu’ để bảo vệ các lực lượng Mỹ nếu nhận được thông tin về các cuộc tấn công do Iran hoặc nhóm thân Iran tiến hành nhằm vào quân đội của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo, những dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra những cuộc tấn công trả đũa của Iran.
Cuộc tập kết từ trên không vào sân bay quốc tế của thủ đô Bahdad đã tiêu diệt Người đứng đầu vệ binh cách mạnh Iran, ông Qassem Soleimani cùng 6 người cùng đi. Chuyến đi bí mật của ông này sang Iraq đã bị phát hiện và dẫn đến cái chết bi thảm của một nhân vật nổi tiếng diều hâu trong số những nhà lãnh đão chóp bu của Iran.
Trước đó, ngày 31/1/2020, Chính quyền Mỹ đã đổ lỗi cho Iran  đứng sau vụ nhiều người biểu tình vây Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq, đồng thời triển khai ngay lập tức 750 binh sỹ tới Iraq để tăng cường đảm bảo an ninh tại khu tổ hợp ngoại giao của nước này.
Các đồng minh của Tổng thống Trump tại quốc hội nhanh chóng ca ngợi chiến dịch, nói vụ ám sát gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran và có thể là sự răn đe với các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq.
"Các hành động phòng thủ mà Mỹ thực hiện chống lại Iran và các ủy nhiệm của nó là phù hợp với các cảnh báo trước đó. Họ bỏ qua những cảnh báo này vì tin rằng tổng thống Mỹ bị kìm kẹp bởi những chia rẽ chính trị trong nước. Họ đã tính toán sai lầm", Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa từ Florida bình luận.
“Qassem Soleimani là kẻ chủ mưu trong chế độ khủng bố của Iran trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả cái chết của hàng trăm người Mỹ. Tối nay, ông ta nhận được những gì đích đáng và tất cả lính Mỹ chết dưới tay ông ta nhận được những gì họ xứng đáng: công lý. Nước Mỹ giờ an toàn hơn sau cái chết của Soleimani", Thượng nghị sĩ Tom Sen, đảng Cộng hòa, bang Arkansas, đồng tình.
Theo The Hill, một số nghị sĩ Cộng hòa từng chỉ trích ông Trump cũng ủng hộ cuộc tấn công, nói rằng vụ ám sát là quyết định đúng đắn.
Một số đảng viên Dân chủ bày tỏ lo ngại rằng việc tiêu diệt vị tướng hàng đầu của Tehran có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh cao hơn và khiến lợi ích của Mỹ ở Trung Đông gặp rủi ro.
Hạ nghị sĩ Seth Moulton, đảng Dân chủ ở bang Massachusetts, cựu binh trong chiến tranh Iraq, cho rằng sự leo thang của ông Donald Trump có thể châm ngòi chiến tranh khu vực, trong khi chính quyền chưa có chiến lược nào.
Sự việc xảy ra vào lúc sau một giai đoạn quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng, từ việc cấm vận của Mỹ đến việc Iran bắn rơi máy bay Mỹ và bắt tàu chiến một số nước thì hai nước bắt đầu có những dấu hiệu hòa dịu.
Một thỏa thuận Mỹ - Iran đang được soạn thảo với bốn thành phần chính.
Đầu tiên, một sự đảm bảo rằng Iran sẽ cam kết với Hiệp ước không phổ biến vũ khí (NPT), đây cũng là trung tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lan rộng hơn nữa của vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, một sự đảm bảo rằng cả Mỹ và Iran sẽ cam kết với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đưa ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và thời gian thực hiện, đồng thời mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với nước này.
Thứ ba, một "fatwa" hạt nhân (phán quyết tôn giáo) của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei cấm sản xuất, tàng trữ và tàng trữ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Vì cam kết của Iran đối với NPT và thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể sẽ không đủ sức thuyết phục Trump rằng Iran thực sự đã từ bỏ việc mua vũ khí hạt nhân, một cam kết tôn giáo dưới hình thức fatwa hạt nhân có thể giúp lấp đầy khoảng cách niềm tin giữa các bên .
Thứ tư, một sự đảm bảo rằng cả Iran và Washington và các đồng minh ở Trung Đông sẽ không có hành động nào đe dọa đến an ninh và sự ổn định của khu vực.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Tổng thống Rouhani đã đưa ra cơ chế hợp tác khu vực mới này để thúc đẩy "hòa bình, ổn định, tiến bộ và phúc lợi" cho tất cả người dân trong khu vực và tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ thân thiện giữa họ. Rouhani cho biết sáng kiến ​​này sẽ bao gồm "nhiều địa điểm hợp tác khác nhau", như cung cấp an ninh năng lượng tập thể, tự do hàng hải và chuyển giao dầu miễn phí và các tài nguyên khác đến và đi từ Eo biển Hormuz và xa hơn nữa.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đã làm tổn thương Iran. Tỷ lệ lạm phát cao và thất nghiệp đang gây tổn hại cho nền kinh tế của Iran. Xuất khẩu dầu của nước này đã giảm đáng kể và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế của Iran đã giảm 9,5% trong năm 2019. Các lệnh trừng phạt đã làm tổn thương mức sống của người dân và sự thiếu hụt các sản phẩm y tế và dược phẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân số - đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư. 
Tuy nhiên chính sách "áp lực tối đa" của Tổng thống Trump dường như chưa mang lại những hiệu quả rõ ràng và cũng tạo ra những nguy cơ bất ổn về an ninh và vì thế đã có những khuyến cáo cần chấm dứt chính sách này.
Diễn biến mới về cái chết của ông Qassem Soleimani, một lần nữa lại làm tình hình thêm phức tạp và khó lường.

Vua Gia Long thật phi thường dưới con mắt của người nước ngoài

Vua Gia Long là một trong những nhân vật lịch sử mang lại nhiều tranh cãi nhất khi đánh giá về ông. Các nhà sử học trong nước thường mô tả Gia Long theo kiểu “his-story” hay “her-story” chỉ vì ông là Nhà sáng lập ra vương triều cuối cùng của Việt Nam: Triều Nguyễn. Bởi vậy khi muốn đề cao hay hạ thấp Nhà Nguyễn, vô hình chung, Gia Long là người bị bóp méo hình ảnh để phục vụ “mục đích chính trị”.
Tuy nhiên, sự đánh giá của người nước ngoài theo các tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp về Nguyễn Ánh – Gia Long có lẽ khách quan hơn. Trước khi trích dẫn những tài liệu này, chúng ta thử điểm lại một số sự kiện lịch sử liên quan đến nhân vật đặc biệt này.

-  Năm 1771, Phong trào Tây Sơn khởi binh đánh lại Chúa Nguyễn tại Đàng Trong. Khi đó Nguyễn Nhạc khoảng 28 tuổi, Nguyễn Huệ 18 và Nguyễn Ánh 9 tuổi.
-  Năm 1775, sau khi chiếm được Phú Xuân, kinh đô Chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc xưng vương, gọi là Tây Sơn vương, tự ví mình ngang hàng với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và xếp dưới Vua Lê một bậc. Gia tộc chúa Nguyễn phải chạy trốn vào phía Nam
-  Năm 1778, một năm sau khi quân Tây Sơn chiếm được Gia Định và giết hại toàn bộ gia tộc chúa Nguyễn, chỉ một mình Nguyễn Ánh là cháu Chúa Nguyễn chạy thoát, Nguyễn Nhạc xưng đế, hiệu là Thái Đức, tự coi ngang bằng với Vua Lê.
-  Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương để có danh nghĩa chiêu mộ binh mã, tập hợp lực lượng và chiếm lại được thành Gia định trong cùng năm.
Đêm 19/1/ 1785, một trận thủy chiến diễn ra giữa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy với liên quân Nguyễn Ánh và ba vạn viện binh Xiêm La tại Rạch Gầm, Xoài Mút (thuộc Tiền Giang ngày nay) với kết quả phần thắng thuộc về nhà Tây Sơn.
Đây là trận đánh lớn đầu tiên của Nguyễn Huệ và qua đây vai trò của ông nổi lên trong nội bộ nhà Tây Sơn, có phần lấn át cả hoàng huynh Thái Đức. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận rằng, liên quân Nguyễn – Xiêm là một đội quân ô hợp, quân Nguyễn Ánh còn non nớt trong khi quân Xiêm đông nhưng kém thiện chiến và không hợp thủy thổ.
Đáng chú ý, với sự kiện nay, Nguyễn Ánh bị coi là “cõng rắn cắn gà nhà” vì đã mượn quân nước ngoài và đây có thể coi là một sai lầm của ông. Quãng thời gian mà Nguyễn Ánh có sự hợp tác với nhà Xiêm khá ngắn ngủi, trước đó và sau này, quan hệ hai bên khá lạnh nhạt, thậm chí là thù địch.
Tiếp sau, Nguyễn Ánh đã xây dựng mối quan hệ với các giáo sĩ phương Tây, tận dụng được những vũ khí mới và đã chiếm lại được Nam bộ. Với các cái chết của Quang Trung Nguyễn Huệ (1792) và Thái Đức Nguyễn Nhạc (1793), cũng như nội bộ lục đục làm nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh đã từng bước thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối và lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Gia Long vào năm 1802.
Một điều sử sách ghi nhận, dân chúng bất bình về chính sách sưu thuế hà khắc, bắt lính từ độ tuổi thiếu niên của Tây Sơn nên triều Nguyễn thời Gia Long khá được lòng dân.
Năm 1905, Gia Long cho đổi tên cố đô Thăng Long thành Hà Nội như ngày nay. Cái tên Sài Gòn cũng được coi bắt đầu sử dụng rộng rãi vào khoảng thời gian này thay vì Gia Định như trước. Tuy nhiên, tên Gia Long cho đường phố và các địa danh thì lại bị biến mất sau năm 1954 ở Hà Nội và sau 1975 tại Sài Gòn.
Michel Đức Chaigneau con trai của Jean Baptiste Chaigneau (một người Pháp sang giúp đỡ cho Nguyễn Vương) đã viết trong Souvenirs de Hue (Hồi ký Huế) của mình, mô tả vua Gia Long là người hòa nhã, giản dị và có tài năng với những ý tưởng khoáng đạt và hào hiệp.
Cuốn hồi ký này cũng mô tả rằng:
“Trong sự tâm giao, vua Gia Long rất thích hỏi cha tôi về các trường học và những phong tục của nước Pháp”.
“Vua Gia Long được công nhận là một người có khả năng nhất của vương quốc vì đã có đầy đủ trong mình những đức tính cần thiết cho một người đứng đầu nhà nước.
Lòng quả cảm và đức tính kiên trì theo đuổi tất cả những mục tiêu đúng đắn làm cho giám mục Adran và những người Pháp làm việc ở Nam Kỳ cho rằng tuyệt nhiên không có một người đứng đầu quốc gia châu Âu nào có thể thay thế được.”
Khả năng đọc sách của vua Gia Long cũng rất đáng nể. Một người Pháp là Lelabrousse trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris đã viết:
“Nhà vua có tính chăm chỉ hết sức. Ban đêm Ngài ít ngủ, đọc sách rất nhiều; việc gì cũng tò mò muốn biết và cần cù hiếu học đáo để. Trong điện Ngài ở, có nhiều bộ sách của người Pháp soạn, dạy về các khoa kiến trúc, xây thành đắp lũy, v.v…
Ngài để luôn bên mình, năng mở ra xem những hình vẽ kiểu mẫu rồi cố bắt chước làm theo. Mỗi ngày thấy Ngài tấn tới lên mãi. Tóm lại, ông vua này là một bậc nhân quân vĩ đại nhất xứ Đàng Trong nước Nam từ trước đến giờ.”
Lelabrousse cũng thán phục phương pháp học tập cùng khả năng tổ chức của vua Gia Long:
“Thiên tư nhà vua cũng tốt không kém gì tâm tính, trí khôn nhanh nhẹn, thấu suốt dù những việc rắc rối nhất hạng, Ngài chỉ trông thoáng qua là hiểu ngay.
Lại có khiếu nhớ lạ lùng, phàm những gì qua mắt có thể ghi mãi trong trí không quên, cũng như trông thấy điều gì mới lạ đều có thể bắt chước một cách dễ dàng, tự nhiên.
Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.
Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ..v.v.. Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi.
Một bên thì đỗ chi chít những chiến thuyền không biết cơ man nào mà đếm; to có nhỏ có, chiếc nào chế tạo trông cũng có vẻ hùng vĩ khá sợ. Tất cả các thuyền binh khí ấy toàn là công trình của ông vua hiếu động và đa tài, đa nghệ…
Ngài đã chế tạo được những chiến thuyền theo kiểu châu Âu mà chỉ dùng toàn những người thợ bản xứ.
Ban đầu, ngài mua một chiếc tàu Tây đã cũ đem về tháo tung ra từng mảnh để xem cách thức chế tạo, sau đó tự tay ráp lại y nguyên hình thức cũ, ráp khéo đến nỗi xem chiếc tàu lại có vẻ đẹp hơn lúc trước.
Sự thành công ấy làm cho nhà vua nức lòng phấn chí, nhất định ra tay đóng hẳn một chiếc hoàn toàn mới. Mà ngài làm được mới thật lạ kỳ, sau đó lại đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc tàu này đi đến đâu cũng làm lên oai danh hiển hách cho nhà vua.
Công cuộc chế tạo lại mau chóng không ngờ, chiếc nào cũng đóng không quá 3 tháng đã hoàn thành, có chiếc lại còn làm nhanh chóng hơn…
Các ông ở bên Tây nghe nói một ông vua ở nước Nam có thể chỉ huy được một chiếc tàu chiến đóng theo kiểu châu Âu, tất lấy làm lạ vô cùng; nhưng các ông còn kinh ngạc nhiều hơn nữa nếu như các ông được chứng kiến mọi sự kiến thiết ở xứ sở này.”
Một tác giả người Anh là John Barrow vào năm 1806 đã xuất bản tại London cuốn sách “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793), trong đó có nhiều đoạn mô tả về vua Gia Long, nhấn mạnh đến việc vua Gia Long đã áp dụng kiến thức khoa học phương Tây để xây dựng lực lượng hải quân:
“Ông nắm vững không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó ông đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Theo nguồn tin đáng tin cậy, người ta kể lại rằng để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như về lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha.
Với mục đích chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn được đổi mới.
Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, là thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình; không có việc gì dự định thực hiện lại không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông.
Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông.
Không những ông đi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất khi thảo ra những chỉ dẫn, mà chính bản thân ông thực tế còn trông nom khi chúng được thực hiện.”
Tác giả John Barrow xem vua Gia Long là “… con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới”, “…câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự, nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng chỉ đạo đúng đắn, người ta có thể làm được nhiều việc lớn lao đến như thế nào.”
Kết quả những nỗ lực của Nguyễn Vương cũng đã được đền đáp, nổi bật nhất là trận đánh ở đầm Thị Nại năm 1801. Trong trận đánh này những chiếm hạm hùng mạnh nổi tiếng của quân Tây Sơn cùng hầu hết thủy quân Tây Sơn bị tiêu diệt. Từ đó trở đi thủy binh của quân Nguyễn kiểm soát toàn bộ đường thủy đánh dấu chiến thắng của quân Nguyễn.
Vua Gia Long ở ngôi được 18 năm, từ năm 1802 đến năm 1820 thì mất. Ông để lại di sản là một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh.

Sự kiện nổi bật của nước Úc trong năm 2019

1.  Chuyện thời sự đáng chú ý xảy ra ở Úc chắc là không gì lớn hơn liên đảng Tự do - Quốc Gia tái cử trong một cuộc tổng tuyển cử được coi là “có phép lạ” vào tháng 5. Trong hai nhiệm kỳ 6 năm, Liên đảng đã nhiều lúc tỏ ra lao đao khi uy tín xuống thấp và đã phải buộc lòng “thay tướng” đến ba lần, với 4 gương mặt thay nhau làm Thủ tướng, cho đến ông Morrison. Trong cuộc bầu cử 2016, từ vị thế đa số áp đảo trở thành một “quốc hội treo”, Liên đảng chỉ có thể lãnh đạo chính phủ thiểu số nhờ vào sự ủng hộ của các dân biểu độc lập.
Đến cuộc bầu cử 2019, các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Lao động đối lập thắng cử nhưng rồi điều đó vẫn không xảy ra. Hai lần chụp hụt chiếc ghế Thủ tướng, thủ lĩnh đảng Lao động Shorten đã phải ngậm ngùi từ chức.
2. Kết quả bầu cử đã dẫn đến một sự đổi chiều đáng kinh ngạc cho thị trường bất động sản. Chính sách xóa bỏ bù trừ vào thuế thu nhập từ nhà đất của Đảng Lao động cộng với dự đoán đảng này thắng cử đã làm giá nhà đất sụt giảm thê thảm. Khi phép lạ của Liên đảng xảy ra, giá địa ốc đã đổi chiều, và chỉ trong chưa đầy 6 tháng, thị trường đã phục hồi khoảng một nửa giá trị đã mất.
Với đà lên giá, người ta cho rằng, mười triệu chủ nhà ở Úc sẽ tiếp tục vui mừng trong năm 2020.
3. Một vụ án xử một chức sắc cao cấp trong giáo hội Công giáo tại Úc - Hồng y George Pell đã dẫn đến kết cục ‘khủng hoảng niềm tin’. Khẳng định mình vô tội đối với cáo buộc lạm dụng tình dục, Hồng y George đã kháng cáo lên tối cao pháp viện Úc. Trong thời gian thụ án sáu năm tù tại Melbourne, và hồng y hằng ngày vẫn đi làm vườn và chờ đợi phán quyết cuối cùng.
4. Trong một nỗ lực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã tăng giá thu mua chai lọ bằng nhựa và thủy tinh từ 5 xu lên 10 xu. Điều này đã dẫn đến một làn sóng thu lượm phế liệu và những người “chuyên nghiệp” đã có thể kiếm được vào trăm đô mỗi tuần. Tiếp theo, hai đại siêu thị lớn nhất của Úc là Woolworths và Coles đã xóa bỏ việc sử dụng túi ni lông miễn phí và buộc khách hàng phải mua những cái túi có thể tái sử dụng.
5. Vụ cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử kéo dài từ tháng 7 đến cuối năm đã làm thiêu rụi 5 triệu hectares rừng, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, trên 10 người mất mạng, trong đó có 2 lính cứu hỏa. Đợt cháy rừng này vẫn tiếp tục trên toàn liên bang, trong đó tiểu bang NSW bị nặng nề nhất.
6. Năm nay, bỗng nhiên đất nước hiền hoà lại xảy ra một vụ việc lạ thường. Trong tháng Ba, một người Úc xách súng qua thành phố Christchurch, bên New Zealand để bắn xối xả vào hai nhà thờ Hồi giáo làm 50 người thiệt mạng, 40 người bị thương. Chuyện này gây sững sờ vì trước nay Úc cứ lo bị Hồi giáo khủng bố, thế mà nay ngược lại: Úc khủng bố Hồi giáo!
7. Cũng liên quan đến đất nước chị em New Zealand, mới hai tuần trước, chiếc tàu “Ovation of the Seas” chở du khách từ Sydney đến gần đảo Whakaari (còn gọi là White Island) thì gặp núi lửa phun trào. Thông tin cho hay, đã có 19 người thiệt mạng, đa số người Úc và một số người New Zealand. Du khách ‘đi cruize’ bị thương còn có quốc tịch  Anh, Trung Quốc, Malaysia và Hoa Kỳ.
8.  Về cộng đồng người Việt tại Úc, một tin sốt dẻo đã mang lại niềm hãnh diện cho con cháu Lạc Hồng. Đó là cô Tracy Vo, 35 tuổi, con gái trong một gia đình thuyền nhân người Việt đã được Đài truyền hình số 9 công bố đảm nhận Chương trình Today trực tiếp vào buổi sáng. Đây là một trong những chương trình ăn khách nhất của truyền hình Úc và chỉ những người tài năng nhất mới được tuyển chọn.

Làm thế nào để trở thành chính mình

Khi quý vị có con, sẽ có một mong ước thầm kín, đó là con bạn sẽ tài giỏi hơn hết thẩy mọi người. Tất nhiên, đây là một ý nghĩ điên rồ, vì thế bạn không dám nói ra vì sợ bị chê cười.
Không nói, nhưng mà hành động. Bạn sẽ đưa ra các gợi ý, các tấm gương xuất chúng để con bạn noi theo. Và bạn sẽ luôn nhắc nhở, thậm chí la mắng con bạn rằng, phải cố gắng vượt lên chính mình.
Vượt lên chính mình? Trong thể, thao, một số đội bóng làm được như vậy, nhưng rất hiếm khi. Xét cả quá trình dài, một đội bóng mà thể hiện được hết khả năng, tiềm năng của mình, đã được coi là thành công lắm rồi.
Trước một trận đấu quan trọng hay khi được một quả phạt đền, thông thường các đội bóng đá và các cầu thủ chơi tệ hơn mức trung bình. Chính sự căng thẳng, “lên gân” đã làm ảnh hưởng, làm phong độ tồi đi.
Giả sử con bạn không cần vượt lên trên, mà chỉ cần “ngang bằng” với khả năng của nó thì liệu có đạt được không? Trên thực tế, nhiều đứa trẻ rất có tư chất, nhưng do không được nuôi dậy tốt mà chúng đã trở nên hư đốn, không phải là người có ích cho xã hội.
“Trở thành chính mình” (be yourself) là là một cách bạn, hay con bạn sẽ được mọi người yêu mến và giúp bạn có được sự tự tin. Con bạn không bao giờ cần bắt chước người khác để được coi là thành công và hơn người.
Thông thường trong đời người, bạn không làm một công việc hay một nghề nghiệp nào đó, mà làm nhiều việc khác nhau, cho những chủ nhân khác nhau. Khi bạn kiếm được việc làm và được trả lương, đó chính là một thành công đáng để hãnh diện.
Có các công việc khác nhau, cũng có nghĩa là năng lực của bạn khá đa dạng, có thể thích ứng được những đòi hỏi khác nhau về kỹ năng, hoàn cảnh môi trường.
Ra thế, phải chăng một công việc nhất quyết nào đó vẫn không phải là “chính mình”. “Chính mình” có nghĩa là có thể thay đổi theo thời gian, lúc thế này, lúc thế nọ.
Trong thể thao, có hiện tượng gọi là “nở sớm” và “nở muộn”. Có những cầu thủ tài năng phát rộ từ lúc rất trẻ, nhưng cũng có người phải rất lâu mới nảy nở, mặc dù vẫn là một tài năng lớn.
Quả là phức tạp cho những ông bố bà mẹ, làm sao biết được con mình có những thiên hướng đa dạng và sự bộc lộ cũng vào những giai đoạn khác nhau.
Mọi thứ đang thay đổi đến chóng mặt trong thế giới ngày nay. Rất nhiều ngành nghề truyền thống đã và đang mất đi để thay thế bằng những ngành nghề mới.
Để con mình “trụ vững” được trước những thay đổi của thời cuộc, đòi hỏi một năng lực quan trọng là năng lực thích nghi. Nói cách khác, cuộc sống chọn việc cho các con chứ không phải cha mẹ chúng hay bất kỳ ai khác.
Mong muốn và khả năng của con bạn phù hợp với yêu cầu của xã hội. Phải chăng đó là bí quyết của thành công và hạnh phúc?

Một ngày vòng quanh thủ đô Canberra

Canberra được thiết kế bởi Burley Griffin, một kiến ​​trúc sư người Mỹ với hai điểm tựa chính là hồ nước Griffin và núi Ainslie. Các khu vực đô thị của Canberra được tổ chức thành một hệ thống phân cấp gồm các quận, trung tâm thị trấn, vùng ngoại ô địa phương cũng như các khu vực công nghiệp và làng mạc khác.
Vào ngày 1/1/1901, liên đoàn các thuộc địa của Úc đã đạt được thỏa thuận quan trọng, theo đó tiểu bang New South Wales sẽ nhượng đất cho Chính phủ liên bang để làm thủ đô với khoảng cách ít nhất 160 km tính từ Sydney. Đến năm 1908, khu vực Yass-Canberra đã được chọn để chuẩn bị thi công xây dựng. Chính quyền Úc đã chuyển về Canberra vào năm 1927 từ thủ đô tạm thời là Melbourne.
Nếu bạn bắt đầu cuộc hành trình một ngày tại Canberra thì địa điểm đầu tiên có thể là núi Ainslie. Thực ra đây chỉ là một quả đồi nhỏ với một con đường độc đạo để đi lên, mặc dù có độ cao 843m so với mực nước biển nhưng ở trong cao nguyên thì nó chỉ nhô lên 163 mét.
Từ trên cao, toàn cảnh thành phố đến nay vẫn chỉ có 400,000 dân sẽ hiện ra trong các bức ảnh “tự sướng” nếu muốn. Một Tấm bản đồ lớn được đặt ngay trên lan can, địa điểm dành cho du khách sẽ cho phép bạn đối chiếu với thực địa để xem nên làm gì, đi đâu và ước lượng được khoảng cách.
Dưới chân núi đi thêm khoảng ba cây số là Bảo tàng chiến tranh. Bên ngoài của Tòa nhà hai tầng, bảo tàng trưng bầy những hiện vật đồ sộ như xe tăng, pháp cao xạ, máy bay. Vào cửa Bảo tàng không mất vé, tuy nhiên bạn có thể đóng góp thiện nguyện tùy theo hảo tâm.
Lịch sử ngắn ngủi của nước Úc chỉ đủ để nước này tham gia vào 4 cuộc chiến lớn, đó là WW I, WW II, Chiến tranh Triều tiên và Chiến tranh Việt Nam. Bãi gửi xe của bảo tàng cho 4 giờ miễn phí cũng là thời gian thừa đủ để bạn tìm hiểu về những câu chuyện, những mất mát đau thương của Chiến tranh cùng với những bằng chứng bằng hiện vật.
Hồ Griffin vốn hình thành từ một con sông nên hình dạng của nó dài, gần như chia đôi thành phố Canberra. Đi ngang qua hồ, quý bạn yêu thích phong cảnh thiên nhiên có thể dừng lại để đi vào những hàng cây xem lẫn những luống hoa ven hồ. Đài phun nước đặt giữa hồ có thể phun cao tới 152 mét, cũng là điểm rất đáng để có những bức hình lưu niệm.
Bên kia hồ, một địa danh nổi tiếng của Canberra chính là Tòa nhà Quốc hội. Thay thế cho Tòa nhà Quốc hội cũ đã được dùng trong 61 năm, Quốc hội mới được Nữ hoàng Elizabeth, nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa của Úc khai trương vào năm 1988.
Diện tích mặt bằng của khu vực rộng 32 ha, được xây bằng khoảng một triệu mét khối đá, hầu hết có ngồn gốc từ Úc. Thực thi ý tưởng ban đầu là để Tòa nhà Quốc hội mở cửa miễn phí cho công chúng, đây là một điểm thu hút du khách lớn ở Canberra với khoảng 1 triệu lượt truy cập mỗi năm. 
Trong Tòa Quốc hội, ngoài nhiều phòng làm việc cho các tiểu ban của Quốc hội và các thành viên Nội các, có hai Hội trường lớn dành cho các phiên họp khoáng đạt của Hạ viện và Thượng viện.
Hội trường Hạ viện được trang trí theo tông màu xanh dương, lấy theo màu của lá cây bạch đàn, loài cây phổ biến của Úc. Hạ nghị viện Úc có 151 ghế, theo truyền thống của Quốc hội Anh, các dân biểu thuộc đảng cầm quyền ngồi bên tay phải của Người phát ngôn (Speaker), tức chủ tịch Hạ viên, còn các dân biểu phe đối lập ngồi ở phía tay trái. Các thành viên Chính phủ ngồi ở hàng ghế đầu, còn các Bộ trưởng đối lập cũng ở hàng ghế đầu nhưng phía bên kia.
Hội trường Thượng viện được tô điểm theo tông đỏ sẫm, liên tưởng màu sắc của những vùng đất hoang mạc hẻo lánh. Khác với các Dân biểu được bầu trực tiếp, còn Nghị sĩ của Thượng viện được lựa chọn theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu” và theo tiểu bang. Thượng viện hiện nay có 76 thành viên.
Bộ sưu tập nghệ thuật của Nghị viện gồm hơn 6.000 tác phẩm bao gồm các bức chân dung được ủy quyền (và mua) của các thủ tướng, tổng toàn quyền...qua các thời kỳ cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác có ý nghĩa đối với Úc.
Cùng nằm về phía Nam Canberra như Tòa nhà Quốc hội, Xưởng đúc tiền cũng là một địa danh dành cho du khách, đặc biệt là những người yêu thích sưu tập tiền xu.
Ở đây, quý khách sẽ được giới thiệu về lịch sử, quá trình phát triển của các loại tiền xu của Úc. Nếu muốn, quý khách có thể tự làm một đồng xu $1 cho riêng mình và đồng xu này hoàn toàn có giá trị lưu hành mua bán.
Vào mùa Thu, khu ngoại giao đoàn là nơi rợp trời một màu lá vàng lá đỏ, với những đàn chim nhiều màu sắc và những con đường tĩnh mịch. Bạn có thể dừng xe, tản bộ và ghi lại những hình ảnh lãng mạn cùng những chiếc lá rơi xào xạt.
Mùa Xuân, từ 15/9 đến 15/10 hằng năm, Canberra có Lễ hội hoa Floriade lớn nhất Nam bán cầu. Tuy nhiên, nếu không đến Canberra vào thời gian này, quý khách vẫn có thể ngắm hoa trong Tuylip top gardens, được mở cửa quanh năm.
Nếu dạo quanh ngoại ô Canberra vào sáng sớm hoặc lúc chập choạng tối, một phần thường bất ngờ dành cho quý khách thập phương là từng đàn kangaroo ngơ ngác, từ trong rừng chạy ra.

Bổ nhiệm phụ nữ đầu tiên làm Giám đốc cơ quan Tình báo Úc

Trong một đợt cải tổ sâu rộng về thành phần Nội các chính phủ, cô Rachel Noble được công bố sẽ là Giám đốc mới của Cơ quan Tình báo Tín hiệu Úc (ASD).
"Kinh nghiệm sâu sắc về tình báo của Noble sẽ giúp cô lãnh đạo ASD trong việc thực hiện sứ mệnh an ninh quốc gia quan trọng của mình", tuyên bố của Thủ tướng Scott Morrison có đoạn.
"Cô ấy có chuyên môn kỹ thuật, trước đây đã từng làm việc tại ASD và có hiểu biết sâu sắc về vai trò của tổ chức này trong Cộng đồng Tình báo Quốc gia."
Noble là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm lãnh đạo ASD và cũng là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một cơ quan tình báo lớn ở Úc.
Morrison cho biết cuộc bổ nhiệm cô là một bước tiến đáng kể đối với phụ nữ trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
Noble sẽ chính thứthay thế Mike Burgess, người đã chuyển qua làm tổng giám đốc mới của Bộ An ninh. Burgess đã nắm quyền lãnh đạo ASD vào tháng 12 năm 2017.
Khi đảm nhiệm chức vụ mới, Noble sẽ rời khỏi chức vụ là người đứng đầu Trung tâm an ninh mạng Úc (ACSC). ACSC là cơ quan chịu trách nhiệm lãnh đạo các khả năng an ninh mạng của chính phủ Úc, ứng phó với các mối đe dọa và sự cố an ninh mạng, và hợp tác với chính phủ, ngành công nghiệp và cộng đồng về các vấn đề an ninh mạng.
Trước khi làm việc tại ACSC, Noble đã từng là phó thư ký của Nhóm điều hành trong Bộ Nội vụ. Nhóm này chịu trách nhiệm về chiến lược doanh nghiệp, rủi ro, đảm bảo, an ninh và các dịch vụ cấp bộ, truyền thông và tình báo.
Noble cũng từng giữ một loạt các vị trí lãnh đạo trong Nội vụ, Quốc phòng, hai lần làm việc tại tại ASD cũng như và văn phòng Thủ tướng Thủ tướng và Nội các.
Là giám đốc thông tin và điều phối viên chính sách an ninh quốc gia của văn phòng Thủ tướng Thủ tướng và Nội các, Noble đã phối hợp chính sách của toàn chính phủ về các vấn đề không gian mạng và cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa cộng đồng an ninh quốc gia. Cô đã được tặng thưởng Huy chương cho công việc này.
Noble có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh về quản lý công nghệ và bằng cử nhân khoa học.
Noble sẽ bắt đầu vai trò mới của mình vào tháng 2 năm 2020, lúc đó trung tướng John Frewen, người đang giữ chức Quyền giám đốc của ASD, sẽ trở lại với vai trò phó giám đốc.
Nhiệm vụ của ASD trong thời gian tới có nhiều vấn đề nhạy cảm như vậy vào tháng 3/2019, chính ASD đã cho rằng Tình báo Trung quốc đã tấn công mạng vào Quốc hội và ba chính đảng lớn của Úc. Tuy nhiên, Úc đã chọn lựa giữ thái độ im lặng mà không lên án Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế thương mại với nước này.
Cũng từ tháng 2/2020, Chính phủ Úc sẽ thực thi một đợt cải tổ cơ cấu chính phủ, theo đó 4 bộ nhỏ sẽ được sát nhập với các Bộ lớn hơn để ra đời bốn siêu Bộ là Bộ Giáo dục, Đào tạo và Lao động; Bộ Cơ sở hạ tầng, Giao thông, Đô thị và Viễn thông; Bộ Kỹ nghệ, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên; Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi và Môi trường. Sau đợt tinh giảm mạnh mẽ nhất trong 32 năm qua này, số đầu mối Bộ giảm từ 18 xuống 14 Bộ.
Người đứng đầu ASD không có hàm Bộ trưởng mà phục vụ dưới quyền Tổng trưởng Nội vụ, ông Dutton.