Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn hay thôi

Hiệp định thương mại Mỹ - Trung - Giai đoạn 1 mới được ký kết, dựa theo thỏa thuận đạt được vào tháng 12 năm ngoái, dẫn đến việc bãi bỏ thuế quan dự trù của Mỹ đánh vào điện thoại di động, đồ chơi và máy vi tính xách tay và gần một nửa thuế quan 7,5% đánh vào 120 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, bao gồm truyền hình phẳng, tai nghe bluetooth và giày dép.
Nhưng Chính quyền Mỹ vẫn đánh thuế vào 370 tỷ USD hàng Trung Quốc là những loại hàng cần hạn chế mà không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu dùng. Giữa những đồn đoán về việc gỡ bỏ các khoản thuế này nếu Bắc Kinh thực hiện tốt các cam kết, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh “không có thỏa thuận tương lai nào nhằm giảm thuế”.
Đổi lại, Chính quyền Bắc Kinh đã đồng ý nâng mức mua hàng hóa Mỹ lên thêm 200 tỷ USD so với mức 2017. Lượng hàng đó sẽ bao gồm 75 tỷ USD từ ngành chế tạo, 50 tỷ USD năng lượng, 40 tỷ USD hàng nông nghiệp và 35-40 tỷ USD dịch vụ.
Theo cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói với Fox News là thỏa thuận sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, các nhà bình luận lại cho rằng phía Mỹ đã đánh mất những lợi thế đã tạo ra và đã “ăn non” trong một cuộc chiến mà họ đáng lẽ có thể gặt hái được nhiều thành quả hơn.
Cục thống kê quốc gia Trung Quốc hôm nay cho biết tăng trưởng GDP của nước này năm 2019 là 6,1%, tương đương dự báo do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra và thấp hơn so với con số 6,6% năm 2018. Mặ dù con số này vẫn được coi là “hoàn thành kế hoạch” vì mục tiêu của Trung Quốc chỉ là 6-6.5% nhưng lại là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Thực ra tốc độ tăng trưởng GDP chẳng có nhiều ý nghĩa đối với các nước nhưng nó lại được coi là bằng chứng cho tính “ưu việt” của chế độ, hơn nữa nó cũng cần để giữ việc làm cho một dân số 1.4 tỉ người. Vì thế, có thể hiểu Trung Quốc không muốn tổn thương thêm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ để giữ cho chỉ số này không rơi vào thảm họa.
Lý do mà chính quyền của ông Trump phải chấp nhận “hưu chiến” nửa chừng thế này vì cuộc bầu cửa Tổng thống Mỹ đang tới gần. Giả sử có theo đuổi những thỏa thuận sâu rộng hơn thì nó vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi tổng thống mới, như ông Trump đã từng làm với người tiền nhiệm. Còn đối với Bắc Kinh, họ chấp nhận nhún nhường một chút để “chờ đợi”.
Cội nguồn của chiến tranh thương mại là vấn đề Sở hữu trí tuệ và chênh lệch cán cân thương mại. Với thỏa thuận kể trên, việc sở hữu trí tuệ được hứa hẹn một cách chung chung, còn việc mua hàng thêm của Trung Quốc vẫn là khá xa để cân bằng quan hệ xuất nhập khẩu với Mỹ.
Vấn đề mấu chốt của vấn đề là Trung Quốc trợ giá hàng xuất khẩu thì vẫn chưa được “đụng” đến một cách thỏa đáng. Việc trợ giá của Trung Quốc không chỉ là thao túng tiền tệ, lũng đoạn tài chính mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn về việc bảo vệ quyền lợi người lao động.
Quyền lợi người lao động không chỉ là vấn đề sinh hoạt văn nghệ, đi du lịch cho công nhân, mà tiền lương mới là chuyện cốt lõi. Do chưa có các công đoàn động lập, có thể hiểu người lao động Trung Quốc không được trả lương xứng đáng và điều này là giá thành các sản phẩm “made in China” tụt giảm so với giá trị thật của nó và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này thuộc về mối quan hệ chủ thợ, quan hệ sở hữu và lại liên quan đến bản chất chế độ.
Nhìn dưới góc độ khác, từt nền kinh tế xuất phát từ một nước “thế giới thứ ba” như Trung Quốc, với trình độ kỹ thuật thấp, khả năng quản trị yếu thì không có sự trợ giá thì không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, chứ đừng nói đến kim ngạch xuất siêu khổng lồ.
Ngay cả trong trường hợp ông Trump tái cử nhiệm kỳ hai, một xu hướng rõ rệt vào lúc này, thì vẫn cần đặt câu hỏi ông có đủ quyết tâm để theo đuổi giải quyết những “lỗ hổng” kinh hãi kể trên, hay bằng lòng với những thành tích vừa đủ khấm khá hơn cho nền kinh tế Mỹ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét