Canberra được thiết kế bởi Burley Griffin, một kiến trúc sư người Mỹ với hai điểm tựa chính là hồ nước Griffin và núi Ainslie. Các khu vực đô thị của Canberra được tổ chức thành một hệ thống phân cấp gồm các quận, trung tâm thị trấn, vùng ngoại ô địa phương cũng như các khu vực công nghiệp và làng mạc khác.
Vào ngày 1/1/1901, liên đoàn các thuộc địa của Úc đã đạt được thỏa thuận quan trọng, theo đó tiểu bang New South Wales sẽ nhượng đất cho Chính phủ liên bang để làm thủ đô với khoảng cách ít nhất 160 km tính từ Sydney. Đến năm 1908, khu vực Yass-Canberra đã được chọn để chuẩn bị thi công xây dựng. Chính quyền Úc đã chuyển về Canberra vào năm 1927 từ thủ đô tạm thời là Melbourne.
Nếu bạn bắt đầu cuộc hành trình một ngày tại Canberra thì địa điểm đầu tiên có thể là núi Ainslie. Thực ra đây chỉ là một quả đồi nhỏ với một con đường độc đạo để đi lên, mặc dù có độ cao 843m so với mực nước biển nhưng ở trong cao nguyên thì nó chỉ nhô lên 163 mét.
Từ trên cao, toàn cảnh thành phố đến nay vẫn chỉ có 400,000 dân sẽ hiện ra trong các bức ảnh “tự sướng” nếu muốn. Một Tấm bản đồ lớn được đặt ngay trên lan can, địa điểm dành cho du khách sẽ cho phép bạn đối chiếu với thực địa để xem nên làm gì, đi đâu và ước lượng được khoảng cách.
Dưới chân núi đi thêm khoảng ba cây số là Bảo tàng chiến tranh. Bên ngoài của Tòa nhà hai tầng, bảo tàng trưng bầy những hiện vật đồ sộ như xe tăng, pháp cao xạ, máy bay. Vào cửa Bảo tàng không mất vé, tuy nhiên bạn có thể đóng góp thiện nguyện tùy theo hảo tâm.
Lịch sử ngắn ngủi của nước Úc chỉ đủ để nước này tham gia vào 4 cuộc chiến lớn, đó là WW I, WW II, Chiến tranh Triều tiên và Chiến tranh Việt Nam. Bãi gửi xe của bảo tàng cho 4 giờ miễn phí cũng là thời gian thừa đủ để bạn tìm hiểu về những câu chuyện, những mất mát đau thương của Chiến tranh cùng với những bằng chứng bằng hiện vật.
Hồ Griffin vốn hình thành từ một con sông nên hình dạng của nó dài, gần như chia đôi thành phố Canberra. Đi ngang qua hồ, quý bạn yêu thích phong cảnh thiên nhiên có thể dừng lại để đi vào những hàng cây xem lẫn những luống hoa ven hồ. Đài phun nước đặt giữa hồ có thể phun cao tới 152 mét, cũng là điểm rất đáng để có những bức hình lưu niệm.
Bên kia hồ, một địa danh nổi tiếng của Canberra chính là Tòa nhà Quốc hội. Thay thế cho Tòa nhà Quốc hội cũ đã được dùng trong 61 năm, Quốc hội mới được Nữ hoàng Elizabeth, nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa của Úc khai trương vào năm 1988.
Diện tích mặt bằng của khu vực rộng 32 ha, được xây bằng khoảng một triệu mét khối đá, hầu hết có ngồn gốc từ Úc. Thực thi ý tưởng ban đầu là để Tòa nhà Quốc hội mở cửa miễn phí cho công chúng, đây là một điểm thu hút du khách lớn ở Canberra với khoảng 1 triệu lượt truy cập mỗi năm.
Trong Tòa Quốc hội, ngoài nhiều phòng làm việc cho các tiểu ban của Quốc hội và các thành viên Nội các, có hai Hội trường lớn dành cho các phiên họp khoáng đạt của Hạ viện và Thượng viện.
Hội trường Hạ viện được trang trí theo tông màu xanh dương, lấy theo màu của lá cây bạch đàn, loài cây phổ biến của Úc. Hạ nghị viện Úc có 151 ghế, theo truyền thống của Quốc hội Anh, các dân biểu thuộc đảng cầm quyền ngồi bên tay phải của Người phát ngôn (Speaker), tức chủ tịch Hạ viên, còn các dân biểu phe đối lập ngồi ở phía tay trái. Các thành viên Chính phủ ngồi ở hàng ghế đầu, còn các Bộ trưởng đối lập cũng ở hàng ghế đầu nhưng phía bên kia.
Hội trường Thượng viện được tô điểm theo tông đỏ sẫm, liên tưởng màu sắc của những vùng đất hoang mạc hẻo lánh. Khác với các Dân biểu được bầu trực tiếp, còn Nghị sĩ của Thượng viện được lựa chọn theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu” và theo tiểu bang. Thượng viện hiện nay có 76 thành viên.
Bộ sưu tập nghệ thuật của Nghị viện gồm hơn 6.000 tác phẩm bao gồm các bức chân dung được ủy quyền (và mua) của các thủ tướng, tổng toàn quyền...qua các thời kỳ cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác có ý nghĩa đối với Úc.
Cùng nằm về phía Nam Canberra như Tòa nhà Quốc hội, Xưởng đúc tiền cũng là một địa danh dành cho du khách, đặc biệt là những người yêu thích sưu tập tiền xu.
Ở đây, quý khách sẽ được giới thiệu về lịch sử, quá trình phát triển của các loại tiền xu của Úc. Nếu muốn, quý khách có thể tự làm một đồng xu $1 cho riêng mình và đồng xu này hoàn toàn có giá trị lưu hành mua bán.
Vào mùa Thu, khu ngoại giao đoàn là nơi rợp trời một màu lá vàng lá đỏ, với những đàn chim nhiều màu sắc và những con đường tĩnh mịch. Bạn có thể dừng xe, tản bộ và ghi lại những hình ảnh lãng mạn cùng những chiếc lá rơi xào xạt.
Mùa Xuân, từ 15/9 đến 15/10 hằng năm, Canberra có Lễ hội hoa Floriade lớn nhất Nam bán cầu. Tuy nhiên, nếu không đến Canberra vào thời gian này, quý khách vẫn có thể ngắm hoa trong Tuylip top gardens, được mở cửa quanh năm.
Nếu dạo quanh ngoại ô Canberra vào sáng sớm hoặc lúc chập choạng tối, một phần thường bất ngờ dành cho quý khách thập phương là từng đàn kangaroo ngơ ngác, từ trong rừng chạy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét