Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, khoảng 10.000 người chết, trong đó phần không nhỏ vì có nồng độ cồn trong máu. Con số khủng khiếp này có khiến mọi người nghĩ rằng phải làm gì đó, chứ không thể để tình trạng này kéo dài mãi.
Tuy nhiên khi nhìn vào “biểu giá” về những hình phạt uống rượu lái xe, kể cả lái...xe đạp, thì người ta lại cho rằng nó quá khắc nghiệt. Đặc biệt là nó còn có vẻ không khả thi, ví dụ như ăn ba quả vải, uống ly sinh tố cũng làm nồng độ cồn không khác gì uống rượu khi “thổi ống”.
Người viết bài này tin rằng, ăn trái cây, hay uống vài viên thuốc bệnh thông thường thì không hề ảnh hưởng gì đến việc lái xe. Ngặt cái, “ống thổi” là vật vô tri vô giác, không thể phân biệt được sự khác biệt này?
Trên trang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có danh sách nồng độ cồn cho phép ở các nước khi lái xe, theo đó có một số nước xử phạt bất cứ nồng độ nào trên zero. Đáng chú ý, Việt Nam đã gia nhập với các nước Hồi giáo như Azerbaijan, Bangladesh, Djibouti, Iran, Kazakhstan, Pakistan, UAE, Uzbekistan cũng như ba nước Đông Âu (Hung, Tiệp, Romania) và ba nước Nam Mỹ (Brazil, Paraguay, Uruguay) để áp dụng chính sách hà khắc nhất về uống rượu.
Tuy nhiên, khi áp dụng thì phần lớn các nước đều dùng một giới hạn cao hơn zero để tránh phạt lầm vì sai số khi đo. Chẳng hạn Brazil tuy có "zero tolerance" nhưng chỉ phạt ở mức 0,2 gram/lít hơi thở trở lên. Nhưng tại Trung Quốc trên 80mg thì được miễn phạt tiền, “chỉ” phải đi tù 3 năm.
Đa số các nước khác áp dụng luật cấm “Zero” cho các giới hạn về tuổi hoặc đang tập sự lái xe. Các nước “tiên tiến” dường như có sự nương nhẹ hơn về nồng độ cồn khi lái xe.
Ở Tây Âu, mức phổ biến luật giới hạn nồng độ cồn trong máu khi lái xe là 0.05%, riêng Anh, Liechtenstein, Malta cho phép tới 0.08%, còn Nga là 0.029%. Úc thì mới sửa đổi Luật để hạ giảm mức phạt từ 0.08% xuống còn 0.05%.
Ván đề ở chỗ, nồng độ cồn cấm khác nhau có phản ứng khác nhau như thế nào về chỉ số tai nạn giao thông?
Theo thống kê của WHO trong năm 2017 thì tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông ở Malta là 4.62 trên 100.000 dân. tỷ lệ đó ở Anh là 2.58, ở Đức là 3.54. Ở các nước cấm hoàn toàn uống rượu lái xe như Tiệp là 5.97, ở Hungary là 6.22, ở Romania là 7.89, ở Nga khá cao là 15.85, trong khi Việt Nam lên đến 23.60.
Số liệu trên cho thấy chế tài mạnh về uống rượu lái xe chỉ là một phần của vấn đề. Phần còn lại là các yếu tố tác động khác như hạ tầng, các hình thức tham gia giao thông (phương tiện công cộng ra sao), mật độ dân số... và đặc biệt là việc thực thi pháp luật ở đất nước đó. Luật thật chặt chẽ, chế tài thật nặng nhưng nếu vẫn còn “lỗ hổng” hối lộ cho cảnh sát giao thông thì chất lượng cuộc sống giao thông của người dân vẫn không thể được cải thiện.
Cánh lái xe bên Úc cũng thường “mách nước” cho nhau cách qua mặt cảnh sát thổi rượu. Bạn chỉ cần bật điều hòa tối đa, hướng về điều hòa rồi hít thở thật sâu ba lần. Bảo đảm dù có uống “ngất ngư còn gà Tây” thì vẫn không thể vượt ngưỡng 0.05. Trong trường hợp này, cảnh sát có thể yêu cầu thử máu thì vẫn không thể thoát được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét