Trong những lúc trà dư tựu hậu, tụi mình cũng có lúc bàn luận về chuyện con cái. Mọi người có một nhận định chẳng biết có đúng không: người thành công bên Tây thường xuất thân từ gia đình khá giả, còn với người Ta, đa số là con nhà nghèo. Quả thật, trong số những đứa trẻ con nhà “có điều kiện”, quá nhiều cháu đúng y chang hình tượng nhân vật “Em Chã” trong tiểu thuyết Số đỏ mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã lột tả: đỏng đảnh và lười biếng.
Vừa rồi, mình được tiếp xúc với một nhóm khách từ Việt Nam qua, trong đó có ba cháu cả trai lẫn gái ở độ tuổi 15-16. Chúng làm mình quá ngạc nhiên, tiếng Anh giỏi là một chuyện mà còn rất chủ động trong việc tìm địa điểm đi lại, tìm chỗ ăn, chỗ đi chơi, để giúp cho các phụ huynh. Ấn tượng hơn, các cháu vào trong hiệu sách, “tha” về một đống sách, trong khi những người khác thường mua sắm quần áo, đồ trang sức, đồ ăn.
Điều kỳ lạ, nhiều người ở Việt Nam rất thành công, có địa vị cao, có nhiều tiền nhưng khi ra bên ngoài lại cực kỳ lớ ngớ, cái gì cũng sợ. Đa phần con cái của họ đều được nuôi dậy theo kiểu “gà công nghiệp” nên cũng “chậm” hơn so với nhưng đứa trẻ cùng lứa. Tuy nhiên, với ba cháu bé này, mình thấy khác biệt, có thể coi là ngoại lệ.
Qua ví dụ kể trên có thể thấy, một gia đình giàu có vẫn có thể nuôi dạy ra những đứa con nhanh nhẹn, hoạt bát, có sức tranh tranh với xã hội sau này.
Thực sự nhà già giàu rất khó dậy con. Nếu bảo con đi làm để có cơ hội học hỏi thì nó sẽ bảo, học trường tư tốn 40,000 đô/năm, trong khi đi làm được có 10 đô/giờ, ai cũng thấy thế là vô lý. Của cải nhà mình, ăn hai đời chưa hết, làm làm gì cho nó mệt người.
Nhưng cuộc sống bây giờ khác ngày xưa, và tương lai còn khác nhiều nữa. Trước đây, có miếng ăn là cảm thấy đủ, không cần gì nữa còn bây giờ quá nhiều nhu cầu. Kể cả khi không cần có thêm vật chất cho bản thân thì con người ta vẫn cần sống có ý nghĩa (meaningful), có đóng góp, giúp đỡ cho cộng đồng. Đó là cách tìm ra một “chỗ đứng” trong xã hội, được một người tôn trọng, vị nể và đó chính là hạnh phúc.
Ai cũng hiểu, trước khi lo cho người khác thì mình phải tự chủ được bản thân, có khả năng suy nghĩ và tài chính độc lập. Một người được coi là “trưởng thành” thì phải đạt được nhưng tiêu chí về kiến thức, năng lực và thái độ. Và để đạt ba mục tiêu này, bên cạnh sự giúp sức của nhà trường, xã hội thì không thể thiếu được giáo dục gia đình.
Trong một gia đình Tây, dường như con cái không nghĩ tài sản của cha mẹ là tài sản của chúng. Như ông Donald Trump, con nhà rất giàu nhưng tự lập nghiệp từ rất sớm, miệt mài với công việc, dù thất bại với 11 lần khai phá sản thì vẫn tự đứng dậy và vươn lên. Nếu ông ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình thì ông không thể thành công như ngày hôm nay.
Thực tế, trong các gia đình có thế lực ở Việt Nam, tỉ lệ hư hỏng, sa đọa cũng nhỏ nhưng do được quá bao bọc, bú mớm chúng trở nên thiếu sức mạnh ý chí và nếu không có những đột phá để cải thiện tình trạng thì sẽ không thể đương đầu nổi trong cuộc sống cạnh tranh ngày càng khắt nghiệt.
Nếu quý vị nhiều quyền và tiền, không để con mình hưởng thì để làm gì? Tụi mình có nói vui với nhau, không lẽ mình không cố gắng làm giàu, cứ nghèo mãi để con cái có ý thức hơn và dễ thành công hơn. Bạn có điều kiện mà con bạn vẫn tự giác, có trách nhiệm mới là việc trọn vẹn đôi đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét