Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Khách thập phương lũ lượt đổ về ngọn núi thiêng Uluru

Từ đầu tháng sáu tới nay, tức khoảng 6 tuần thôi mà lượng khách đổ về núi đá thiêng mang tên Uluru, nằm chính giữa trong lòng nước Úc đã lên tới 395,000 người. Trong khi đó, lượng khách trung bình trước đây chỉ rơi vào khoảng trên 400,000 người/ năm.
Sở dĩ lượng khách thập phương tăng vọt như vậy là do lệnh cấm trèo lên đỉnh núi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 26/10/2019. Lệnh cấm này trùng với ngày kỷ niệm  năm thứ 34, khi Ulura được trả về cho chủ nhân truyền thống là những Thổ dân Úc.
Uluru được lấy theo tên thổ dân, còn có một tên khác là Ayers Rock, là một khối đá khổng lồ, lớn nhất thế giới, cách thị trấn Alice Spring 450km đường chim bay. Núi cao 863 m, có chu vi 9,400m, tròn, bóng và không có cây cối mọc lên. Đây là một di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới và được coi là một vẻ đẹp tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Một đặc điểm của khối đá là khả năng tự đổi màu trong mỗi một ngày. Lúc bình minh, khối đá màu đỏ nhạt, sau đã đã từ từ biến đổi sang màu đỏ cam vào giữa trưa do phản chiếu ánh mặt Trời; về chiều nó lại có màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm, trước khi sang màu vàng nâu vào ban đêm.
Ngọn núi được coi là “cội nguồn” của nước Úc có độ tuổi lên đến 550 triệu năm, vốn ngập dưới mặt nước biển. Vì đây là núi đá, bề mặt rất rắn và trơn nên việc leo núi được coi là nguy hiểm và đã có ít nhất 35 người chết.
Từ năm 2009, các cơ quan hữu trách đã xem xét lệnh cấm leo núi vì những lý do an toàn và môi trường. Hơn nữa, việc trèo lên núi bị coi là thiếu tôn trọng đối với sự linh thiêng theo tín ngưỡng của người Thổ dân.
Vậy mà cũng phải mất 10 năm, lệnh cấm mới được thiết lập bởi Ban quản lý công viên quốc gia Uluru – Kata Tjuta. Một sự phiền toái và du khách đã gặp là những người đã tìm cách nhặt và mang đi những viên đá làm kỷ niệm đã phải gửi trả lại, gây tốn kém tiền bạc và mất thời gian.
Việc du khách lũ lượt đổ về khu di tích Uluru đã mang đến nhiều hệ lụy do cơ sở hạ tầng  không thể đáp ứng được số lượng người quá đông. Ông Stephen Schwer, Gián đốc điều hành công ty du lịch Central Australia cho rằng có quá nhiều xe caravan tới đây, nhiều du khách dựng lều trại trái phép. Một số còn lái xe vào lối mòn là xâm phạm vào lãnh thổ  được bảo tồn của Thổ dân Anangu. Bên cạnh đó là việc xả rác, đốt lửa và phóng uế bừa bãi.
Một chuyến du lịch đến Uluru thông thường mất ba ngày, trong khi thời gian leo núi chỉ có hai giờ đồng hồ. Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại việc cấm leo núi sẽ làm giảm tính hấp dẫn của khu vực Uluru và cũng chính là lý do khách thập phương vẫn tiếp tục gia tăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét