Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Tìm cách cứu lấy hồ nước màu hồng ở Tây Úc

Hồ nước màu hồng, Pink Lake ở Tây Úc từng là điểm đến ưu thích của du khách, thì nay đã gây cho nhiều người thất vọng ê chề bởi nước hồ không còn màu hồng nữa.
Màu hồng là màu tự nhiên của nước hồ, nó vẫn giữ nguyên màu khi được đưa ra khỏi hồ vì được tạo thành từ một tảo có tên là duinella salina. Loài tảo này tạo ra chất beta carotene là sắc tố màu hồng nổi bật.
Hồ màu hồng là một đặc sản của nước Úc vì trải từ Tây Úc, Nam Úc và Victoria có cả thảy trên mười hồ có nước màu hồng. Oái oăm thay, chính cái hồ lớn nhất, nổi tiếng nhất và có tên gọi thuần “Pink Lake” thì lại ngày càng trở nên nhạt nhòa.
Pink Lake có chiều dài 4km, rộng 2km, diện tích mặt nước khoảng 990ha, nằm cách thủ phủ Perth của Tây Úc trên 700km về phía Đông Nam. Du khách được hấp dẫn không chỉ vì màu nước độc đáo mà còn vì khu vực là nơi có rất nhiều loài chim của địa phương và chim di trú tìm đến.
Cô Mary Noonan, nhân viên khu du lịch Pink Lake cho hay, nhiều du khách đường xa tới đây đã giận dỗi khi nhìn màu sắc không như họ tưởng. Có ý kiến yêu cầu hồ trở về tên gọi cũ trước năm 1966 là Lake Spencer.
Các nhà khoa học nhận định rằng, loài tảo duinella salina vẫn còn nhiều, có điều nó không tạo sắc tố hồng nữa. Tiến sĩ Tilo Massenbaeur, thuộc Đại học Queensland giải thích: “Nguyên nhân có thể do lượng muối trong hồ đã giảm thấp, không đủ để sản sinh ra beta carotene. Trước đây, độ mặn của hồ tương đương với biển chết (Death Sea), có thể dùng để sản xuất muối thì nay không còn như thế nữa”.
Lý do độ mặn bị giảm là những hoạt động xây dựng đường sá, xe lửa đã lấp đi nguồn nước chảy vào hồ, làm hồ gần như bị cô lập. Tiến sĩ Massenbaeur đang tính toán xem lượng muối bao nhiêu thì đủ và làm thế nào để tăng độ mặc của hồ.
Trong khi đó, nhà môi trường học Steven Butler cho hay, phải phục hồi dòng chảy tự nhiên của hồ và việc này sẽ mất một số năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét