Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Người đầu tiên ra đi theo Luật Tự nguyện qua đời là một phụ nữ 61 tuổi

Tiểu bang Victoria là nơi đầu tiên tại Úc thông qua đạo luật Tự nguyện qua đời với sự trợ giúp (VADB). Sau khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào 19/6 vừa qua thì một bệnh nhân ung thư đã trở thành người lìa trần đầu tiên, đó là bà Kerry Robertson, 61 tuổi, cự ngụ tại thị trấn Bendigo, VIC.
Cả gia đình đã có mặt bên bà Kerry Robertson, người đã lên chức bà ngoại, khi bà trút hơi thở cuối cùng. Cô Nicole, con gái bà cho hay: “Chúng tôi rất muốn mẹ tôi sống lâu với chúng tôi, thế nhưng khi nhìn bà đau khổ chịu đựng mà chẳng ai có thể giúp gì cho mẹ, thì chuyện này quá đau lòng đối với chúng tôi”.
Nicole hy vọng câu chuyện của mẹ bà nay có thể giúp cho những người khác. “Tôi thành thật nghĩ rằng, vấn đề trợ tử đi theo với lòng nhân từ và tùy theo mỗi cá nhân, nó không dính líu chút nào đến nghị trình chính trị hay tôn giáo, mà đó là về nỗi khổ đau của con người và việc chấm dứt nỗi khổ đó”, Nicole Robertson nói.
Bà được chẩn đoán với chứng ung thư vú vào năm 2010, thế nhưng trong nhiều năm sau đó, chứng ung thư đã di căn vào phổi, gan, xương và não. Tuy nhiên, tiến trình điều trị đã được ngưng lại từ tháng ba vừa rồi.
Một người con gái khác của bà là Jacqui cho biết, đã nộp đơn yêu cầu một khi đạo luật có hiệu lực. Đạo luật VADB cho phép những bệnh nhân nan y được tự quyết định số phận để tránh nhưng đau đớn kéo dài.
Được biết các bệnh nhân phải hội đủ các điều kiện khắt khe, bao gồm chứng bệnh không còn có thể chữa được, cũng như không còn sống đến 6 tháng, hay chưa đầy 12 tháng nếu bị bệnh suy sụp thần kinh. Họ cũng cần có 2 bác sĩ ký tên xác nhận, trong đơn xin trợ tử.
Quá trình trợ giúp kéo dài mười ngày và bà đã ra đi sau mười lăm phút từ mũi tiêm cuối cùng.
Bộ trưởng y tế tiểu bang VIC, bà Jenny Mikakos, mô tả cái chết cuả bà Robertson là một khoảnh khắc lịch sử.
“Tôi đặc biệt muốn vinh danh sự can đảm của bà và cách thức bà qua đời đầy nhân phẩm vào ngày 15 tháng 7 vừa qua". "Tôi cũng muốn vinh danh sự cam đảm tuyệt vời của các cô con gái của bà, đó là Nicole và Jackie”, Jenny Mikakos nói thêm.
Bà Mikakos cho biết, có nhiều người hiện đi theo tiến trình trợ tử tại tiểu bang của bà. Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có 12 người "được chết" và khoảng 150 người/năm trong các năm tiếp sau.
Hiện nay, cuộc chiến về quyền được chết chuyển sang Tây Úc, nơi dự luật trợ tử sẽ được giới thiệu trước Quốc hội trong tuần này.
Dân biểu thuộc đảng Tự do Tây Úc là ông Nick Goira, vốn chống đối luật nan y tử quyền, nói rằng mục tiêu nhắm đến nên là việc chăm sóc cuối đời tốt hơn. 
Những người ủng hộ, trong đó có Giám đốc của tổ chức "Go Gentle" (Ra đi êm ả) là ông Andrew Denton lại thúc giục các Bộ trưởng đã chống đối lại dự luật, thì nay nên xét lại.
“Chấm dứt cuộc sống có thể là rất dã man, do nó có thể dẫn đến các trường hợp tự tử, các quyết định kinh khủng và trong một xã hội nhân ái, chúng ta nên làm cả hai việc, đó là cải thiện dịch vụ chăm sóc cuối đời và giúp đỡ cho những người mà việc chăm sóc không còn hiệu quả nữa”.
Trong khi đó, tại tiểu bang NSW của Úc, đa số các chính đảng tỏ ra ủng hộ quyền được chết của các bệnh nhân nan y.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét