Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Biển Đông là cội nguồn của người Việt thời cổ đại

Một công trình nghiên cứu lớn về bộ gen người Việt đã được công bố chính thức tại Việt Nam, cũng như gửi tới tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về hệ gen người Việt Nam, cho hay điều mà ông thấy bất ngờ ở kết quả nghiên cứu là về nhân chủng học, bộ gen người Việt có nhiều điểm tương đồng với bộ gen của người Thái Lan và là bộ gen ít bị pha trộn.
"Cùng sống trong một khu vực rộng lớn mà người Việt có tiếng nói riêng, nhưng bộ gen của quần thể người Kinh Việt Nam tương đồng với quần thể người Thái Lan, chứng tỏ có những quan hệ về di truyền. Phân tích sự khác biệt trong hệ gen cho thấy người Việt "nằm cạnh" một cách độc lập với người Hán ở phía Nam và cách xa người Hán ở phía Bắc Trung Quốc. 
Kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ thêm nguồn gốc tổ tiên của người Việt, một vấn đề nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi nhưng lại thiếu các bằng chứng khách quan về nghiên cứu bộ gen" - ông Liêm cho hay.
Một câu hỏi mà các thế hệ người Việt hết sức quan tâm là tổ tiên của chúng ta ở đâu? Theo PGS Lê Sỹ Vinh - chuyên gia phân tích hệ gen, kết quả nghiên cứu ủng hộ giả thuyết tổ tiên người Việt nằm trong nhóm người (hiện đại) đã di cư từ châu Phi từ 200.000 năm trước, khoảng 40.000 - 60.000 năm trước đã đến cư trú tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sau đó tiếp tục di cư lên các nước Đông Á. 
PGS Vinh cho rằng trước đây một số học giả cho rằng nguồn gốc người Việt là người Hán ở phía Bắc Trung Quốc, nhưng giả thuyết mới là tổ tiên chúng ta di cư từ phía biển vào, đến Đông Nam Á trước khi đến Trung Quốc. 
Những nghiên cứu đầu tiên về hệ gen người của các nhà khoa học quốc tế trước đây bắt đầu từ năm 1990 và đến năm 2003 mới giải xong trình tự bộ gen đầu tiên, chi phí của công trình kéo dài 13 năm này lên tới 2.7 tỉ USD. 
Theo những giả thiết khoa học đáng tin cậy nhất, xưa kia thế giới nằm trong kỷ nguyên băng hà, nhiều vùng đất bị đóng băng, con người không sinh sống được. Trải qua năm đợt đại hồng thủy, mà đợt gần nhất cách đây 8,000 năm, trái đất ấm lên nhưng cũng là lúc nước biển dâng cao, nhấn chìm một số vùng đất.
Cũng theo giả thiết người Việt cổ có quan hệ huyết thống với người Thủy tổ từ châu Phi di cư sang thì vùng đất sinh sống sầm uất nhất là khu vực Biển Đông ngày nay. Biển Đông, trải rộng từ Vịnh Bắc Bộ đến Phililpin là một vùng biển khá nông, chỉ dưới mặt nước biển khoảng 100 mét. Nhiều nhà sử học quả quyết dưới lòng đất của Biển Đông chắn chắn có những di tích của một nền văn minh đã mất.
Trong đợt đại hồng thủy cuối cùng mà Kinh Thánh đã ghi nhận, có một cuộc di dân lớn đi từ phía Nam lên phía Bắc. Bên Phương Đông, lúc đó các vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử đã trở nên ấm áp, cho phép thiệt lập những vùng định cư mới. Một trong những thành tựu văn minh mà người Việt cổ mang theo là kỹ thuật trồng lúa nước.
Theo truyền thuyết, vào khoảng cách đây trên 4,000 năm, nước biển đã rút dần, một cuộc di chuyển ngược dòng, dẫn đầu bởi Lạc Long Quân khai phá một miền đất đai màu mỡ là Việt Nam ngày nay. Lạc Long Quân không phải người Hán mà chính là hậu duệ của người Việt cổ, thuộc dòng Bách Việt.
Tiếp theo, một nghiên cứu 1.000 bộ gen của 26 dân tộc trên thế giới, trong đó có 101 người Kinh sống ở TP.HCM, thực hiện từ 2008 - 2015 được các nhà khoa học quốc tế thực hiện.
Tại Việt Nam mới có những nghiên cứu quy mô nhỏ, giải trình tự một vài bộ gen người. Đến 2016, nhóm các nhà khoa học do GS Nguyễn Thanh Liêm đứng đầu đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu này. 
Trong đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu gen của 305 người có 3 đời là người Kinh và không mắc các bệnh di truyền, thực hiện giải trình tự gen trên hệ thống máy giải trình tự hiện đại nhất. Đến cuối năm 2018, công trình hoàn thành và tháng 5-2019 nghiên cứu được chấp nhận đăng tải trên tạp chí Human Mutation.
Nghiên cứu đã giải mã một câu chuyện trong lịch sử: dù có nhiều khu vực biên giới chung và mối quan hệ lâu đời nhưng hệ gen của người Việt lại không có sự giao thoa nhiều hay chịu ảnh hưởng từ hệ gen người Hán.
Theo PGS Đồng Văn Quyền - phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, việc phân tích giải mã bộ gen người hiện không còn khó khăn vì có sự hỗ trợ của nhiều phương tiện công nghệ, nhưng có ý nghĩa lớn về khoa học nói chung và y học nói riêng.
Thông qua việc giải mã bộ gen, sẽ hỗ trợ y học cá thể hướng đến những bệnh di truyền, bệnh liên quan đến trao đổi chất, dị ứng thuốc, trong đó có thể phát hiện những bệnh về di truyền, dự đoán sớm nguy cơ thông qua việc so sánh gen của người bệnh với người thân, gia đình để phát hiện những đột biến gen gây bệnh, giúp việc chữa trị và phòng bệnh.
Với những kết quả ban đầu đáng khích lệ, có thể gợi mở những hướng nghiên cứu xa hơn về lịch sử cũng như giá trị thực tiễn về y học. Chắc chắn rằng, khi điều kiện kỹ thuật cho phép để có thể tiến hành khảo cổ dưới lòng Biển Đông thì nhiều ẩn số sẽ tiếp tục được giải mã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét