Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Người có trình độ cao vẫn gặp nhiều trở ngại khi tìm việc làm

Hằng năm, Úc dành một phần lớn hạn ngạch cho đối tượng nhập cư có tay nghề cao. Những ứng viên thuộc diện “mời” thường có độ tuổi ưu tiên nhất là 25-30, tiếng Anh 8.0 IELTS và có ngành nghề nằm trong danh mục “nhu cầu cao”. Vậy mà trong thực tế, một bộ phận không nhỏ trong số những người này vẫn đi xin trợ cấp thất nghiệp do không tìm được việc làm.
Chuyên viên tiếp thị Tabay Hamdani là một trong 11 di dân có tay nghề, quảng cáo các kỹ năng của họ với các công ty tiềm năng. Mỗi người có 3 phút để trình bày về bản thân mình, và đứng trước một cử tọa như vậy thật dễ bối rối làm sao.
"Tôi nghĩ tôi làm không đến nỗi tệ, nhưng quảng cáo cho bản thân không dễ dàng. Tôi đã thay mặt nhiều thân chủ để tiếp thị giùm cho họ, và tôi có 10 năm kinh nghiệm trong chuyện bán ý tưởng với khách hàng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp thị cho chính tôi”.
Người tổ chức buổi này chào hàng đặc biệt này là Naishadh Gadani giải thích đây là cách tốt nhất để những người mới đến hiểu rõ hơn những kỳ vọng của các công ty, và ngược lại. Anh nói: "Đó là lý do tôi có sáng kiến này để các công ty có thể gặp và nói chuyện với những người có tiềm năng sẽ làm việc cho họ."
Vageesh Malhotra người Ấn Đô, di cư qua Úc cách đây 6 tháng. Vì không tìm được việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn, chuyên viên về phát triển kinh doanh đã phải làm việc trong nhà hàng và lái taxi Uber.   
"Tôi không còn nhớ nữa, tôi đã nộp trên 100 lá đơn, và mỗi lần tôi gọi hỏi thăm thì họ đều trả lời là chúng tôi đã tuyển được người rồi, hay là các kỹ năng của tôi không phù hợp."
Năm 2018 Úc đã nhận trên 162.000 di dân, trong đó di dân có tay nghề là trên 100.000 người. Trên lý thuyết, vì nhờ có những kỹ năng mà ở Úc đang thiếu hụt cho nên những người này mới được qua Úc.
Các di dân cảm thấy thất vọng, nhất là khi các công ty nói họ cần có kinh nghiệm tại Úc. Nhưng tiếp xúc với giới chủ nhân mặt đối mặt có thể giúp các di dân có thêm cơ hội. Ông Malhotra cho biết ông học hỏi được rất nhiều.  
"Ở Úc làm sao quen biết nhiều người trong ngành là vô cùng quan trọng để tìm được việc làm thích hợp. Vì vậy bạn phải năng nổ làm quen người ta chứ không giống như ở quê nhà của tôi."
Chuyên viên tuyển dụng cho ngành IT, Grace Rishie khuyên các di dân khi đi tìm việc làm cần nên thay đổi những quan niệm cũ.  
"Bạn cần tìm hiểu xem công ty nào đang tuyển dụng, công ty nào không, nhưng vẫn nên liên lạc với các công ty đó. Nếu bạn nói chuyện được với họ, hoặc thậm chí mời họ đi uống cà phê để hỏi chuyện thì càng tốt, người Úc thích uống cà phê mà."         
Trong ngành bất động sản thường có câu “Vị trí, vị trí, vị trí” để nhắc nhở mọi người khi đầu tư vào địa ốc thì điều quan trong nhất là “location”. Đối với đi tìm việc làm, khẩu hiệu đó nên đổi thành “Quan hệ, quan hệ, quan hệ”.
Chủ nhân sẽ nhận bạn vào làm việc nếu bạn có thể sáng tạo ra những giá trị xứng đáng cho doanh nghiệp, đó cũng là nguồn tài chính tiềm năng để thù lao cho bạn. Bạn có thể hứa hẹn hoặc kể ra những kinh nghiệm trong quá khứ nhưng liệu có đủ thuyết phục các nhà tuyển dụng không?
Nhưng nếu bạn có “quan hệ” thì đó là một căn cứ rất quan trọng để bạn được tin cậy và nhận vào làm.
Rất nhiều người có trình độ cao, nhiều bằng cấp nhưng đó không phải là điều các chủ nhân “động lòng” cho lắm. Cái khó của những người mới là khả năng am hiểu và thích ứng trong một hệ thống vận hành “kiểu Úc”.
Thời gian trải nghiệm là yếu điểm và thách thức đối với di dân, cho dù có trình độ, vì vậy nhiều người vẫn lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm những công việc thu nhập thấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét