Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Con đường để gia tộc họ Kim giữ được quyền bính

Một điều khá ngạc nhiên là ở tuổi 36, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un lại có vấn đề về sức khỏe. Ông đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật và chưa thể trở lại với công việc. Ở tình huống này, tất yếu phải có một câu hỏi đặt ra rằng nếu Jong Un có mệnh hệ gì thì chính trường Triều tiên sẽ đi đến đâu?
Người hiện được coi là có quyền lực nhiều thứ nhì trong hệ thống là cô em gái Kim Yo Jong, 33 tuổi. Tuy nhiên ở một đất nước mà tư tưởng trọng nam theo kiểu phong kiến thì có thể hiểu Yo Jong có thể đóng một vai trò quan trọng hoặc rất quan trọng nào đó, nhưng không thể là lãnh tụ tối cao được.
Một lựa chọn khác, Choe Ryong Hae, Chủ tịch Quốc hội, về lễ nghi là người chỉ đứng sau Jong Un, đồng thời lại là bố chồng của Yo Jong. Đương nhiên phương án này càng bất khả thi. Với việc bộ máy tuyên truyền của nước này thường xuyên đề cao vai trò của ba đời họ Kim thì việc một người “ngoại đạo” len vào là điều khó xảy ra.
Đặt giả thiết Jong Un có vấn đề sức khỏe là do bị hại thì những kẻ chủ mưu cũng hiểu rằng tình hình Triều tiên sẽ “toang” nếu  gia tộc họ Kim không giữ được quyền bính.
Tại Nhật Bản, Nhật Hoàng không có con trai nên cũng phải dành ngôi Thái tử cho em trai. Cho nên Yo Jong hay một nữ nhi họ Kim khác không thể lên ngôi mà phải tìm một đấng mày râu khác trong gia tộc.
Nhà sáng lập Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành có hai vợ và ba con trai, ngoại trừ một người chết đuối khi còn trẻ thì vẫn còn Kim Jong-il và Kim Pyong-il.
Pyong-il có một con trai nhưng sinh trưởng ở nước ngoài trong khi Jong-il được biết đến là có 2 vợ và hai tình nhân chính thức nhưng chỉ có con với 3 phụ nữ và sinh được ba con trai.
Con lớn của ông Kim Jong nam, người bị giết chết tại Malaysia vào năm 2017 là kết quả của mối tình lén lút của Jong-il với một nữ diễn viên tên là Song Hye-rim. Vì Hye-rim hơn tuổi lại đã có chồng con nên Kim Nhật Thành không đồng ý.
Trong tình yêu, càng cấm đoán thì ngọn lửa càng rực cháy, Jong-il vẫn đi lại với Hye-rim trong một thời gian khá dài, làm cô buộc phải ly dị chồng và còn sinh ra một đứa con trai vào năm 1971.
Mẹ Jong-il mất sớm, Nhật Thành đi bước nữa và sinh ra Pyong-il, và trong nhiều trường hợp thời phong kiến, Vua phế bỏ con trưởng để lập con của ái khanh. Có lẽ nhận ra mối đe dọa vị trí kế vị của mình, Jong-in nhân nhượng. Sự đổi chác là, Jong-il được đưa vào cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính trị, đồng thời với việc lấy vợ mới.
Để tránh sự tranh chấp tiềm tàng có thể xảy ra giữa hai con trai, năm 1988, Nhật Thành cho Pyong-il đi Đại sứ "vĩnh viễn" ở các nước châu Âu, đến tận năm ngoái, sau 31 năm mới trở về.
Jong-il được tham gia vào các bộ máy Đảng và quân đội. Người ta thường thấy hình ảnh hai bố con như hình với bóng, lãnh tụ tối cao trong vai "ông nội" đôn hậu với nụ cười thường trực; còn nhà lãnh đạo kính mến thì nghiêm nghị hơn.
Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, Jong-il có những quan điểm riêng về chính sách đối ngoại, đặc biệt là muốn đối thoại với khúc ruột bên kia Bàn Môn Điếm là Nam Hàn, dẫn đến bất đồng nặng nề với Nhật Thành. Ở Bắc Hàn,chỉ có  anh là người duy nhất dám bật lại lãnh tụ vĩ đại. Đáng tiếc điều đó đã xảy ra, Nhật Thành uất ức lên cơn đứt mạch máu não rồi chết vào năm 1994.
Người cũ sau khi ly thân thì sang Nga điều trị bệnh và qua đời vào năm 2002. Người vợ mới sinh được ba người con, hai con trai Jong Chul và Jong Un và gái út Yo Jong. Tuy nhiên bà cũng mất sớm vào năm 2004 vì ung thư.
Jong-il là người rất say mê điện ảnh, có lối sống khá hưởng thụ, nhiều tình nhân và cũng nhiều bệnh tật. Sau khi nối nghiệp cha, Jong-il đã có ngay những bước đi gần gũi với Nam Hàn. Tuy vậy, Trời không chiều lòng người, bệnh tật và vấn đề sức khỏe của Jong-il đã ngăn cản ông phá vỡ sự cô lập để Triều tiên hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Người con lớn của ông với cựu diễn viên là Jong Nam là người được ông hết sức thương yêu. Khi ba người em đều được đưa đi du học từ khi 7-8 tuổi thị Jong Nam vẫn quanh quẩn với bố, thậm chí người ta còn nói hai bố con ngủ chung với nhau.
Jong Nam rất thông minh, dù không đi du học những thông thạo nhiều ngoại ngữ. Anh hay đi du lịch nước ngoài, kể cả sau khi mẹ ruột mất ở Nga thì anh vẫn dùng hộ chiếu giả để đi các nước khác. Trong một lần như vậy, Jong Nam bị bắt giữ tại Nhật Bản. Đây là một biến cố thay đổi hẳn cuộc đời của Jong Nam, từ địa vị một Thái tử đương nhiên để rồi phải đi lưu vong và mất mạng.
Jong-il qua đời ở tuổi 69 và Jong Un lên thay, sau khi vượt qua người anh trai cùng mẹ Jong Chul  bị chê là tính cách ẻo lả như con gái.
Jang Song-thaek, em rể Jong-il và chú dượng chú Jong Un là người được Jong-il tin cậy. Trước đây, Jang đã tham chính nhưng bị Kim Nhật Thành cách chức thì đến khi Jong-il lên đã phục hồi và còn trao cho ông vai trò lớn hơn.
Để khẳng định quyền lực, Jong Un được cho là đã xử tử một số UV Bộ Chính trị, đại tướng, nhưng chỉ có Jang Song-thaek là xử công khai. Bây giờ đến lượt Jong Un, nếu Trời “không thương” thì gia tộc họ Kim chỉ còn lại Kim Pyong-il, 66 tuổi  và Kim Jong Chul, 39 tuổi là khả dĩ hơn cả để trở thành một người hùng mới của chế độ.
Nếu điều đó xảy ra, quả là ngỡ ngàng không kém việc Jong Un bất ngờ được bổ nhiệm thay cha khi mới 27 tuổi. Biết đâu, những nhân vật dường như ôn hòa và mềm mỏng này lại dễ quy tụ và đoàn kết được giới chức và người dân Triều tiên nhiều hơn.
Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét