Nhưng không hiểu sao sau năm 1975, Phan Thanh Giản là tên từng được đặt tại hầu hết các thành phố lớn và trường học ở miền Nam lại bị xóa bỏ. Năm 2008, Viện sử học VN đã đánh giá lại nhân vật Phan Thanh Giản, như một người tài đức vẹn toàn, có cuộc sống thanh liêm và tầm nhìn xa, nhưng các địa danh mang tên ông vẫn chưa được khôi phục.
Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại Bến Tre. Năm 1825 ông đỗ Cử nhân, năm 1826, đỗ Tiến sĩ và ra làm quan. Bắt đầu từ những chức quan nhỏ, do thành tích và tài năng, lần lượt các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thăng chức cho ông, lên đến Thượng Thư. Vào thời Nguyễn, vua trực tiếp điều hành nên không có chức Tể tướng, triều đình gồm 6 bộ, mỗi bộ có Thượng Thư đứng đầu, cả nước chia làm 29 tỉnh. Năm 1866, Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm Kinh lược Nam kỳ, một chức vụ cao hơn tỉnh trưởng. Lúc này cụ Phan đã 71 tuổi (tuổi ta) nên viện cớ già yếu xin về hưu nhưng không được.
Đó là giai đoạn hết sức gian nguy khi người Pháp từng bước xâm chiếm đất nước. Trong triều có hai phái chính là chủ chiến và chủ hòa, trong đó cụ Phan thuộc chủ hòa. Cụ được vua cử sang Pháp để thương thuyết vào 4/7/1863 đến 18/3/1864. Nếu trừ thời gian mỗi lượt đi và về khoảng 2 tháng thì cụ Phan lưu lại trên đất Pháp khoảng 5 tháng. Trong thời gian này, cụ Phan đã được yết kiến vua Napoleon đệ tam. Sử sách ghi lại, cụ đã có một bài phát biểu cảm động trước mặt vua và hoàng hậu đã làm hoàng hậu mủi lòng khóc. Ngoài thủ đô Paris, cụ Phan đã thăm một số thành phố của Pháp và tận mắt chứng kiến sự văn minh hiện đại của nước Pháp.
Một số kẻ hủ nho đã chê cười về bản tường trình về chuyến đi của Phan Thanh Giản, còn vua Tự Đức vẫn tiếp tục tin vào tính ưu việt của Khổng Giáo, mặc dù trước đó nhà Thanh đã đại bại trước một đội quân 4000 người của nước Anh. Do hiểu rõ sức mạnh nước Pháp, Phan Thanh Giản đề nghị nên bí mật liên hệ với nước Anh và các cường quốc khác, tạo ra một thế đối trọng lẫn nhau giữa họ. Đây là cách mà sau này vua Thái đã sử dụng để tránh cho Thái Lan bị xâm chiếm. Đáng tiếc đề nghị hợp lý này không được Tự Đức chấp nhận.
Kể cả 80 năm sau, về mặt quân sự, người Việt cũng không dễ gì đánh được người Pháp nếu không có yếu tố ngoại cảnh. Năm 1944, Pháp thua Nhật; hoàn cảnh năm 1954 cũng vậy: Việt minh được Liên Xô, Trung Quốc tiếp viện, trong khi Mỹ lăm le hất cẳng Pháp, do đó Pháp mới thua.
Khi cử Phan Thanh Giản vào Nam kỳ, Tự Đức có một ẩn ý rằng, cụ Phan là người gốc Nam bộ, nếu để mất các tỉnh miền Nam thì triều đình ở miền Trung sẽ tránh được tiếng bỏ rơi miền Nam. Còn cụ Phan cũng hiểu việc giữ Nam bộ là một điều bất khả thi nên muốn từ chối nhiệm vụ mà không được. Với tương quan lực lượng hai bên, việc mất Nam Bộ (chịu làm thuộc địa) nhưng Trung Kỳ và Bắc kỳ vẫn được giữ quy chế tự trị và bảo hộ là một điều không quá tồi đối với Tự Đức. Trong lịch sử, có lúc kinh thành Thăng Long còn bị mất, các vua Lê, Lý, Trần cũng phải chấp nhận để rồi tìm cách khôi phục lại.
Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn nhận xét